Chiều
mưa lất phất, hơi ấm dìu dịu của những hạt nước vừa băng qua khỏi mùa hạ còn
chút dư vị oi nồng. Chút thôi, nhưng cũng đủ để tôi nhớ lại chín mươi ngày
trống trải đã qua. Không
như chúng tôi, mùa hè đối với các em học sinh thật là hạnh phúc. Bên gia đình,
người thân, xóm giềng, quê kiểng... là một câu chuyện dài về tiếng cười và niềm
vui. Khung trời tuổi thơ của các em là cánh diều bay cao trong những chiều lộng
gió. Là ước mơ xanh trên những nẻo đường quê rợp đỏ phượng hồng. Ở đó, các em
tha hồ tung tăng vui đùa với bạn bè trang lứa, với cỏ nội hương đồng, với những
trò chơi của tuổi hồn nhiên. Để rồi, khi tiếng trống tựu trường giục giã, bao
kỷ niệm đẹp xinh kia lại ùa về, làm sống động những lời văn, câu thơ rất hay mà
chỉ có trong những bức tranh quê thanh bình, yên ắng. “Cuối ngày đủng đỉnh trâu
về. Cưỡi trâu cưỡi cả con đê cỏ vàng. Hai sừng đã chạm cổng làng. Bốn chân bì
bõm chưa sang khỏi chiều. Cái đuôi sau rốt vòng vèo. Còn vung vẫy nốt chút heo
may đồng”. Là những câu thơ rất dễ thương của Đỗ Vinh mà tôi còn nhớ mãi tới
tận bây giờ.
-
Cô giáo ơi, mua giúp tôi mấy bó rau. Mưa quá chợ tan sớm...Nhìn
người đàn bà với tấm áo vá đụp, vá đùm co ro dưới cái nón cời cũng đã bạc màu
năm tháng, trìu trĩu gánh hàng rong trên vai, lòng tôi se lại. -
Bà vào đây, chúng cháu chỉ có ba người, một nam hai nữ, muốn mua tất cả giúp bà
nhưng để lâu hư hết. -
Cô giáo không có tủ lạnh à.-
Chợ cách mấy bước mà bà.- Ừ
nhỉ, nhà tôi xa lắm, tít bên kia sông.-
Ba, bốn cây số ấy chứ. Bà vất vả quá.Tôi
chọn sáu bó rau và vài quả mướp hương, chút ít rau mùi, bấy nhiêu ấy ba đứa tôi
ăn cả tuần mới hết. Người đàn bà nhìn tôi đằm thắm:-
Hè, sao cô giáo không về nhà.-
Cháu không có nhà.-
Thế cha mẹ, anh em đâu?-
Cháu từ trại mồ côi lớn lên...Bà
không nhìn vào mắt tôi, với tay lấy mấy quả ớt đỏ, tép tỏi giúi vào tay tôi mà
chẳng nói gì. Tôi rót mời bà bát nước chè nóng, bà nhìn về xa xăm, mắt âng ấng
nước. -
Tôi cũng có đứa con trai trạc tuổi cô giáo, nó té xuống sông kia khi còn bé,
khi tôi đang lụi cụi trong vườn. -
Không cứu được hả bà. -
Không.Rồi
bà kể cho tôi nghe những trầm luân sau đó. Chồng bà giận dỗi bỏ đi biền biệt
sau một hồi tranh cãi nảy lửa. Biền biệt hơn ba mươi năm rồi. Hình ảnh duy nhất
về đứa con ấy mà bà còn nhớ là vết chàm to tướng sau vai trái. Bà nhỏ nhẹ: -
Cô giáo qua nhà tôi chơi đi, có xe đạp thì đạp một loáng là tới. Qua đò, hỏi
nhà bà Tự bán rau ai cũng biết. Hai, ba giờ chiều là có tôi ở nhà. * * *Chuyến
đò chở tôi qua sông đầy ắp là người, ai cũng hỏi han tôi về chuyện học hành của
con họ, về đủ thứ chuyện nam bắc đông tây. Nhưng đến khi nghe tôi định sang
thăm bà Tự thì câu chuyện mới thực sự rôm rả: “Tội nghiệp bà ấy sống côi cút
một mình, từ hăm mấy tuổi tới giờ”. “Con rớt sông sao không tìm thấy xác, mùa
ấy sông cạn tới mắt cá chớ phải lụt lội gì đâu”. “Chắc bị ai đó bắt cóc”... Lên
bến, người ta vui vẻ chỉ đường cho tôi tới nhà bà Tự.-
Cô giáo mang lụm cụm gì thế.-
Cân đường và hộp sữa biếu bà chớ có lụm cụm gì đâu.-
Bày vẻ quá, cô giáo vào nhà đi. Nhà
đơn sơ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Một bức ảnh bé trai trạc năm tuổi treo trên
tường ngang, nước thuốc tuy mờ nhưng vẫn còn trông rõ lắm. Tôi có cảm giác như
đã gặp đứa bé ấy ở đâu rồi. Tôi cố moi khắp bộ nhớ của mình nhưng mông lung
quá, đành thôi. Bà Tự giữ tôi lại dùng cơm chiều, bà rụt rè muốn nhận tôi là
con nuôi. Bàn tay run run của bà nắm lấy tay tôi, truyền cái run qua khắp cả
người tôi, tôi quỵxuống trong lòng bà. Lần đầu tiên tôi cảm giác được hạnh
phúc, sung sướng dâng trào, tôi có mẹ. * * *-
Hôm qua, em đi đâu?-
Về quê.-
Em mà cũng có quê để về ư, chúc mừng nhé. Quay
sang Loan, Vị nói như chỉ để hai người:-
Thế là từ nay chỉ còn tôi với cô là mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm, khát
nước biết người nào lo...Tiếng
hát của Vị nghe sao mà da diết, buồn buồn. Tôi đem câu chuyện của mẹ nuôi ra kể
cho mọi người nghe. Vị không kiềm nỗi xót xa, mắt ngầu đỏ nhưng vẫn thích thú
ra mặt, vui vẻ cợt đùa: A ha... Đó là mẹ của tôi chứ không phải mẹ của
Nụ vì tôi có vết chàm tổ bố trên vai trái, đây này.Vừa
nói Vị vừa chìa lưng trái ra cho chúng tôi xem. Tôi xúc động thật sự, tay chân
run bần bật, người cứ lâng lâng, mơ màng. Liên tưởng tới ba người cùng từ trại
mồ côi lớn lên, tôi, Vị, Loan đều không biết gốc tích, thân thế của mình. Tôi
cầu mong Vị là con của mẹ. -
Thế thì từ nay, ông phải kêu tui bằng chị đấy nhé. -
Chị, xách bị bà già.Cả
ba chúng tôi tha hồ cười đùa sảng khoái. * * *Từ
đó chúng tôi không thường xuyên ở căn hộ tập thể của nhà trường nữa, chúng tôi
đã có mẹ, có nơi để đi về. Mẹ Tự thật sự hạnh phúc khi nhận Vị là quý tử của
mình. Bà chẳng nghi ngờ gì, chẳng cần đến AND, cái vết chàm là tất cả. Vườn rau
của mẹ bây giờ đã đầy ắp tiếng cười. Vườn nhỏ nhưng nhiều chủng loại rau ngon
và sạch. Chúng tôi góp vốn mua tre và ni lông trong làm “nhà kính” nuôi trồng
chúng. Bằng nhiều phương pháp nuôi trồng khoa học, hiện đại. Di thực những
giống quý, thuần dưỡng chúng trong điều kiện khí hậu không tương thích với nơi
chúng sinh ra. Gánh rau của mẹ, giờ đã có thương hiệu, “rau bà Tự” và mẹ cũng
không còn phải đi sớm, về trưa như trước nữa. Người ta tìm đến mẹ để mua, mẹ
bán một loáng là hết. -
Chiều nay, thứ bảy các con về đông đủ ăn cơm với mẹ.Mẹ
gọi điện thoại cho chúng tôi. Trong bàn cơm có bác hai là anh trai họ của mẹ và
vài người bạn xóm giềng. Mẹ vui lắm, tíu tít nói cười, chúng tôi cũng vui lây.
Khi bữa cơm sắp vãn, mẹ thông báo với mọi người là mẹ đã chọn được ngày lành và
cô dâu tương lai là tôi thì tôi đã òa khóc. Tôi khóc không phải vì sung sướng
hay đau buồn mà khóc vì tôi vừa có mẹ lại phải xa bà bởi tôi đâu phải là người
yêu của anh, con trai bà. Vị nghẹn ngào, Loan cũng nghẹn ngào. Họ mới là người
yêu của nhau. Nếu mẹ hỏi Vị về chuyện vợ con và chưa nói ra điều này thì chúng
tôi đâu có gì phải khó xử với nhau, đằng này. -
Thưa mẹ, con có bạn trai rồi ạ. Con vẫn mãi là con của mẹ thôi, còn vinh dự là
con dâu của mẹ con xin mẹ chọn lại. Loan mới là người yêu của anh ấy.Vị
đứng dậy, ra vườn. Loan chăm chỉ dọn dẹp, còn tôi thì không thể nào rứt ra được
vòng tay ôm chặt cứng của mẹ. Tôi gục đầu vào ngực bà sụt sùi.Kể
từ hôm ấy, tôi không thường xuyên đi về nhà mẹ cùng Loan và Vị nữa. Tôi muốn
tình cảm của mẹ dành trọn cho Loan, con dâu tương lai của bà. Mùa hè tôi trở về
mái ấm tình thương năm xưa, nơi có niềm an ủi bên những em nhỏ còn nhiều bất
hạnh như tôi ngày nào. Trong vòng tay tôi, các em chắc cũng hạnh phúc và sung
sướng như tôi từng ngồi trong vòng tay mẹ. Tôi cúi xuống, hôn lên mái tóc khét lẹt mùi sương nắng của
các em mà mắt tôi cay xè. Tôi mím môi tiếc nuối một hạnh phúc vừa vuột khỏi tầm
tay. CHÂU LÂM VIÊN