Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường 1 năm sau sự cố Formosa

Cập nhật: 14-07-2017 | 16:27:57

 

Ngư dân xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thu hoạch cá. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, du lịch là đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Cụ thể, từ ngày 4 đến ngày 9/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Chương trình quan trắc để đánh giá lại hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung sau một năm xảy ra sự cố.

Chương trình được triển khai trên các tuyến khảo sát đã thực hiện năm 2016, tập trung vào các khu vực có vùng xoáy cục bộ, có khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn và khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn (Sơn Dương, phía Đông cửa Nhật Lệ, Sơn Chà).

Kết quả từ các chương trình quan trắc nêu trên cho thấy, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước (đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và QCVN 43:2012/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích).

Đặc biệt, các thông số gây ô nhiễm trong thời gian xảy ra sự cố là tổng phenol và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT và thấp hơn rất nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016.

Để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc về Bộ Tài nguyên và Môi trường để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy vậy, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khuyến cáo ngư dân không đánh bắt hải sản vùng đáy ở 20 hải lý trở vào ở 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường do Formosa xả thải.

Trong các chính sách đền bù, hỗ trợ ngư dân đang triển khai, có giải pháp đóng 400 tàu cá để ngư dân đánh bắt xa bờ. Khuyến cáo này ngoài việc tính an toàn của các loài hải sản, còn để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại do sự cố môi trường.

Bộ Y tế đã lấy mẫu hải sản các vùng biển Hải Phòng, Vũng Tàu và một số khu vực khác làm đối chứng, xem cá tầng đáy ở 4 tỉnh vùng ảnh hưởng sự cố môi trường đã an toàn chưa và tới đây sẽ công bố kết quả.

Hiện Bộ vẫn đang tiếp tục giám sát chất lượng hải sản tầng đáy để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố rộng rãi đến người dân trong thời gian tới.

Trong thời điểm này, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý cho đến khi có kết quả giám sát cuối cùng về chất lượng hải sản vùng đáy tại 4 tỉnh miền Trung.

Mặt khác, Tổng cục Thủy sản vẫn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với cơ quan chuyên môn của 4 tỉnh nói trên tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp phục hồi tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi ven bờ sau sự cố.

Theo Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, việc chi trả đền bù và các chính sách hỗ trợ ngư dân vùng sự cố môi trường đang được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Quá trình giải ngân thực hiện công khai, công bằng, đúng quy định, có sự giám sát của cộng đồng, đoàn thể.

Đến nay, số tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh bị thiệt hại do Formosa xả thải là 6.638 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, số tiền tạm ứng cho các tỉnh là 6.310 tỷ đồng, trong đó số tiền đã giải ngân 5.530 tỷ đồng. Số còn lại sẽ được các địa phương giải ngân trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, mỗi hộ ngư dân ngư vùng ảnh hưởng có thể vay 100 triệu đồng làm vốn, được hỗ trợ lãi suất để sản xuất. Những hộ đang nợ ngân hàng được khoanh nợ, giãn nợ; mỗi người dân vùng ảnh hưởng được hỗ trợ 2 năm bảo hiểm y tế; học sinh mầm non, phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học, trường nghề là con em người dân vùng bị ảnh hưởng cũng được hỗ trợ 2 năm học phí; ngư dân có nhu cầu xuất khẩu lao động cũng được hỗ trợ tiền đào tạo ngoại ngữ, vay vốn để xuất ngoại.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề, sang đánh bắt xa bờ, các địa phương đang triển khai đóng 400 tàu cá vỏ composite và vỏ gỗ, công suất 90 - 400 CV. Theo đó, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế mỗi tỉnh được phân bổ 100 tàu (75 tàu vỏ composite và 25 tàu vỏ gỗ), với các nghề lưới rê, lưới vây, câu, lưới chụp, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đối tượng tham gia là những ngư dân, chủ tàu cá công suất dưới 90 CV đang hoạt động khai thác, có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường do Ủy ban Nhân dân tỉnh ở 4 địa phương nói trên phê duyệt.

Ngư dân đóng tàu sẽ được vay tối đa 90% giá trị đóng mới với tàu vỏ composite, 70% với tàu vỏ gỗ và được dùng chính con tàu để làm tài sản đảm bảo khi vay vốn.

Về lãi suất, ngư dân sẽ được hưởng mức thấp nhất khi cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chỉ nộp 1% lãi suất, phần còn lại sẽ được cấp bù một lần cho ngân hàng thương mại từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại của Formosa.

Thời gian hỗ trợ lãi suất là 11 năm với tàu vỏ gỗ và 16 năm với vỏ composite. Năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc./.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1003
Quay lên trên