Mỗi năm tỉnh cử khá nhiều nhân viên y tế đi đào tạo, nhưng chỉ dựa vào nguyện vọng mà chưa được quy hoạch bài bản theo hướng chuyên nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu của các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế theo chu trình ngắn, trung và dài hạn là nhằm xây dựng đội ngũ nhân viên y tế không chỉ thạo việc mà còn giỏi nghề trong hiện tại và tương lai.
Một số đơn vị y tế cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc người bệnh nặng
Khó đào tạo, nâng cao tay nghề
Trong đợt khảo sát chuyên đề thực hiện chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương của HĐND tỉnh vừa qua, một số đơn vị y tế cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân viên. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Nếu chiếu theo Thông tư số 26/2017/TT-BYT của Bộ Y tế thì đơn vị hiện còn thiếu nhiều nhân sự so với quy mô dân số.
Năm 2022, trung tâm chỉ có 3 viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bác sĩ và 1 viên chức cử đào tạo trung cấp chính trị. Một số trường hợp xin nghỉ việc để đi học theo nhu cầu cá nhân hoặc ngành học chuyên khoa I y học gia đình không được ưu tiên, trong khi nhu cầu thực tế rất lớn. Công tác đào tạo trung cấp chính trị, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạn chế, nhất là viên chức giữ ngạch kỹ sư hạng 3 thời gian qua không có lớp để cử đi học. Ông Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết tỉnh cần xem xét tạo điều kiện cho các bác sĩ y học dự phòng dự thi chuyên khoa I bác sĩ y học gia đình theo một tỷ lệ nhất định, khoảng 15 - 20%. Ngoài ra, tỉnh cần khuyến khích, tạo điều kiện cho viên chức dự thi sau đại học. Đối với thu hút bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt và bác sĩ có trình độ sau đại học nên mở rộng phạm vi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Theo bác sĩ Uyên, tỉnh cũng cần quan tâm đến bộ phận lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ, gián tiếp; trước mắt xem xét nâng mức phụ cấp ưu đãi ngành lên 40 - 50%, đẩy nhanh thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập đối với công chức, viên chức theo vị trí việc làm để bảo đảm thu nhập tương xứng. Riêng đối với những viên chức chuyên ngành có trình độ cao, chuyên môn sâu, có năng lực khả năng lãnh đạo quản lý nhưng không phải là đảng viên cũng nên tạo điều kiện cho học trung cấp chính trị để bổ nhiệm trưởng, phó khoa, phòng chuyên môn của đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Trong khi đó, bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị: “Tỉnh cần có chế tài ràng buộc chặt chẽ hơn để giữ chân người lao động, cán bộ viên chức có thâm niên công tác. Đặc biệt, cần bồi hoàn chi phí đào tạo và các chi phí khác bao gồm cả tiền lương, chi phí tổn thất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị… trong trường hợp nhân viên được đào tạo nhưng vi phạm cam kết đào tạo gây ảnh hưởng đến kế hoạch, định hướng phát triển lâu dài của đơn vị”.
Đào tạo theo hướng chuyên nghiệp
Mỗi năm tỉnh cử khá nhiều nhân viên y tế đi đào tạo tại các trường đại học hoặc các bệnh viện lớn trong nước nhưng công tác đào tạo cán bộ còn thụ động, chỉ dựa vào nguyện vọng tự phát của cán bộ, chưa chủ động bằng quy hoạch đào tạo có định hướng. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng tỉnh cũng cần thay đổi hoạt động đào tạo theo hướng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, liên tục đào tạo cho các y, bác sĩ, điều dưỡng với các khóa ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ trình độ sơ cấp đến chuyên môn cao. 3 nhóm mô hình này sẽ là động lực thu hút đội ngũ y bác sĩ về học tập, cống hiến.
Trao đổi với P.V về phương hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Theo đó, ngành tham mưu tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học bổng, chi phí đào tạo cho sinh viên trường y là người tỉnh Bình Dương với ràng buộc trở về công tác tại tỉnh. Ngành cũng tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo y, bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, liên kết với các trường đại học.
“Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các y bác sĩ tự học tập nâng cao trình độ lên chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ bằng nguồn ngân sách của tỉnh, có chế độ đãi ngộ hợp lý trong khi học và sau khi học xong trở về công tác, tập trung vào các chuyên ngành đang thiếu, như: Chẩn đoán hình ảnh, huyết học truyền máu, tim mạch, ung thư…; đào tạo tại chỗ các chuyên khoa ngắn hạn, vừa học vừa làm, vừa nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn y tế. Ngành phấn đấu đến năm 2025 sẽ chuẩn hóa trình độ, không còn cán bộ có trình độ trung cấp, hướng tới liên thông, liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nhân viên y tế trình độ đại học và sau đại học”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.
KIM HÀ