Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tăng lợi thế cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Có thể nói, ngành CNHT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế của tỉnh nói chung.
CNHT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh nhà. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP, TX.Thuận An) Ảnh: P.LÊ
Thu hút nhiều dự án FDI
CNHT trên địa bàn tỉnh thật sự phát triển mạnh từ năm 2009. Trong đó, CNHT chủ yếu tập trung vào các ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ. Hiện nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, dây kéo, nhuộm...), da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...), cơ khí (sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị, phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải khác...), điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...). Những năm gần đây, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Cụ thể như năm 2015, tỉnh đã thu hút dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex (Việt Nam) với vốn đầu tư 274,2 triệu USD vào Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng; Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD vào KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) II-A để sản xuất các sản phẩm nhựa các loại với quy mô 16.889 tấn/năm…
Chỉ từ đầu năm đến hết tháng 7-2016, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chếtạo, toàn tỉnh đã thu hút 130 dự án FDI, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,2 tỷ USD; lĩnh vực dịch vụ thu hút được 22 dự án FDI, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 85,6 triệu USD. Có thể kể đến các dự án như Công ty TNHH Toda Plastics đã đầu tư vào KCN VSIP II-A với tổng vốn đăng ký 50 tỷ VND để sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản xuất sản phẩm chịu lửa…; Công ty TNHH Kurim Việt Nam đầu tư vào KCN Đại Đăng với số vốn 5 triệu USD, chuyên sản xuất gia công các loại sản phẩm nguyên phụ liệu thể thao giày da, túi xách, vali các loại bằng vải, sản xuất, gia công khuôn các loại bằng nhựa và kim loại…
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành CNHT. Cụthể, trong ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày có172 doanh nghiệp, chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp và cơ khí 710 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua Bình Dương đãthu hút được nhiều dự án FDI trong ngành CNHT. Các doanh nghiệp này đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định và phát triển, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, phù hợp định hướng thu hút đầu tư và quy hoạch phát triển CNHT của tỉnh.
Theo bàNguyễn Nhật Anh Thư, Tổng Giám đốc Công ty Takako Việt Nam (KCN VSIP), hiện nay công ty có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD. Bình quân mỗi năm công ty sản xuất được gần 30 triệu sản phẩm linh kiện, doanh thu đạt 40 triệu USD. Hoạt động sản xuất xuất khẩu của công ty đã góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đồng thời đóng góp thêm vào nguồn ngân sách Nhà nước. Còn Ông Kent Teh, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP I) chia sẻ, sau 15 năm đi vào hoạt động, công ty ngày càng hoạt động hiệu quả, trở thành đối tác lớn của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới trong ngành dệt may. Riêng từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty khá tốt; doanh số, xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2015. Bình quân mỗi năm công ty sản xuất khoảng 100.000 tá sản phẩm.
Tạo mọi thuận lợi cho CNHT phát triển
Bên cạnh kết quả đã đạt được, những năm qua, các doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. CNHT trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vàCNHT phát triển chưa tương xứng đã ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp trong cả nước.
Nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mang lại, đồng thời tiếp tục thu hút các dự án đầu tư và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Bình Dương đã có quy hoạch và điều chỉnh phát triển các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển CNHT. Theo ông Bùi Minh Trí, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh hạtầng các KCN được đầu tư tốt, tỉnh đã quy hoạch hơn 300 ha tại KCN Bàu Bàng. Hiện việc đầu tư xây dựng hạ tầng tại KCN này đã khá hoàn chỉnh, doanh nghiệp chỉcần đăng ký đầu tư vào đây là triển khai dự án ngay.
Bên cạnh đó, xác định phát triển CNHT giữ vai trò quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khác, Sở Công thương đã xây dựng đề án định hướng phát triển các ngành CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2751/QĐ-UBND ngày 26-9-2011. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công thương cho biết, để phát triển ngành CNHT theo đề án đã được duyệt, sở đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định dựán phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủtục, lập, thẩm định, công nhận dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện một số nội dung của Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNHT, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 55/2015/ TT-BCT ngày 30-12-2015 về việc quy định trình tự, thủtục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với dựán sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã tiến hành thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nghị định, thông tư vàcác văn bản liên quan đến các sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng vàcác thành phần kinh tế trong tỉnh; đăng nội dung lên website của tỉnh, website Sở Công thương vàBản tin Công thương của sở. Đồng thời, Sở Công thương đã có công văn thông báo rộng rãi đến các sở, ban, ngành, các hiệp hội ngành hàng và các thành phần kinh tế trong tỉnh về việc đưa vào bộ thủ tục hành chính quy trình, thủ tục xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm 2016 và các năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư như: Triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương sát với tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp cải cách hành chính, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ tạo động lực thu hút đầu tư, ổn định sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ những khó khăn trong các khâu thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa, tái định cư… để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư sau đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư.
PHƯƠNG LÊ