Kỳ 2: Bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội
Chương trình giảm nghèo ở Bình Dương trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, nhưng có thể khẳng định đó không phải là câu chuyện thi đua chạy theo thành tích. Ngược lại, chuyện giảm nghèo ở Bình Dương luôn bám theo mục tiêu “Bảo đảm an sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội” mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ luôn quan tâm sâu sát.
Bình Dương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nâng cao đời sống của người dân. Trong ảnh: Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao quà cho con hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh tại phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một trong dịp Tết Bính Thân 2016 vừa qua Ảnh: THIÊN LÝ
Bám sát người nghèo để giúp đỡ
Từ tỉnh thuần nông còn nhiều khó khăn, Bình Dương đã có sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, tạo được những dấu ấn về công nghiệp hóa, đô thị hóa, thu hút vốn đầu tư trong nước lẫn ngoài nước. Trong quá trình đó, Bình Dương luôn gắn phát triển kinh tế với việc bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội và một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Nói về công tác giảm nghèo của tỉnh nhà, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhớ lại ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1997, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy công nghiệp làm chủ đạo, phát triển công nghiệp theo hướng sạch, kỹ thuật cao, dùng các khu công nghiệp tập trung làm mũi nhọn đột phá. Tuy nhiên, việc giải tỏa gần 12.000 ha đất làm khu công nghiệp đã ảnh hưởng đến cuộc sống, nơi ở của hàng ngàn người dân, do đó tỉnh phải bàn ra, tính vào rất cẩn thận. Giải pháp của Bình Dương là chọn hình thức phân chia lợi ích khá hài hòa, giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Theo đó, các hộ nằm trong diện giải tỏa sẽ được ưu tiên cấp nền đất đô thị sát các khu công nghiệp, với hạ tầng được xây dựng đồng bộ. Những người đang độ tuổi lao động sẽ được đào tạo nghề miễn phí, sau đó vào làm việc trong các nhà máy tại địa phương. Đối với những người không có nghề được tỉnh tạo điều kiện làm dịch vụ cho các khu công nghiệp, như: Xây nhà trọ công nhân, mở cửa hàng buôn bán... Nhờ đó hàng vạn lao động tại địa phương đã có việc làm ổn định, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh đã vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bàn về những cách làm đột phá, mang tính quyết định tạo sự khác biệt của Bình Dương so với các địa phương khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đó là nhờ Bình Dương không quan tâm đến thành tích giảm nghèo bao nhiêu phần trăm mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ mà đi vào vấn đề cốt lõi là sẽ chăm sóc, giúp đỡ được bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể nói, cách làm này mang tính căn cơ, bền vững nên mang lại hiệu quả cao. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát, chọn đối tượng chăm sóc, hỗ trợ ngay từ đầu chứ không hề nặng tính hình thức để làm đẹp số liệu các báo cáo”, ông Trung nói.
Bảo đảm an sinh xã hội bền vững
Đồng chí Mai Thế Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, từng khẳng định giảm nghèo là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Bình Dương huy động cả bộ máy chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay nỗ lực vươn lên xóa nghèo, hướng đến làm giàu cho quê hương, đất nước.
Từ năm 2006, tỉnh đã không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. Tuy nhiên, giảm nghèo đã khó, giúp cho dân không phải tái nghèo lại càng khó hơn. Bởi quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế tại Bình Dương diễn ra với tốc độ khá nhanh, chỉ cần thiếu quan tâm sâu sát trong một thời gian ngắn, việc tái nghèo sẽ diễn ra rất khó kiểm soát. Chính vì thế, từ năm 2010 đến nay, Bình Dương đã hai lần nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao gấp 1,5 đến 2 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương. Đó cũng là bước đột phá mới giúp cho người nghèo, cận nghèo trong tỉnh có điều kiện tiếp tục vươn lên, tiến tới làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.
Trong giai đoạn 2016- 2020, chuẩn nghèo được xây dựng theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Đây là phương pháp tiếp cận mới. Theo đó, ngoài việc căn cứ vào mức thu nhập, chuẩn nghèo mới còn đo lường mức độ thiếu hụt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Với cách tiếp cận đó, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như trong thời gian qua, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Như vậy, với quy định mới về chuẩn nghèo trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện cải thiện cơ sở hạ tầng những vùng còn khó khăn, thúc đẩy phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và hỗ trợ để hộ nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống. Trước mắt, Bình Dương sẽ tập trung cân đối nguồn ngân sách để bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn (chăn nuôi, trồng trọt), vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo… Đặc biệt, để giảm nghèo bền vững, Bình Dương sẽ triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo, đổi mới công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo theo hướng thiết thực, hiệu quả thông qua các hình thức học nghề, dạy nghề phi chính thức dựa vào cộng đồng.
Theo ông Hà Minh Trung, một trong những công tác quan trọng trong thời gian tới để hướng đến những cột mốc mới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh chính là việc xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả cho người nghèo để tổ chức nhân rộng phù hợp với đặc điểm, điều kiện sống của từng hộ nghèo, người nghèo. Bên cạnh đó, tích cực triển khai tốt công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính các hộ nghèo, của cộng đồng, người dân để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ để giúp người nghèo có điều kiện tốt nhất vươn lên có mức thu nhập trung bình, thậm chí là làm giàu.
Nếu thực hiện tốt những mục tiêu đã đề ra, chắc chắn trong giai đoạn mới Bình Dương sẽ tiếp tục có những đột phá mới trong công tác giảm nghèo của mình. Qua đó, tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
Đến nay, Bình Dương đã xây dựng quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, về tiêu chí thu nhập để xác định hộ nghèo là 1,2 triệu đồng/người/ tháng ở khu vực nông thôn và từ 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Còn hộ cận nghèo sẽ là 1,6 triệu đồng/người/ tháng ở khu vực nông thôn và1,8 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Nếu xét về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản sẽ gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin) và 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt (trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).
Với quy định chuẩn nghèo mới, Bình Dương chắc chắn sẽ nâng chất hơn nữa trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Từ đó tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với người nghèo, cận nghèo trong xã hội.
KHÁNH VINH