Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện đang triển khai đề tài nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát triển bền vững hệ thống logistics Bình Dương sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại kho bãi của một công ty trên địa bàn TP.Dĩ An
Cần chiến lược và chính sách
Bình Dương là một trong những tỉnh công nghiệp có tốc độ phát triển cao, nhận được quan tâm và có sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện toàn tỉnh có 27 khu công nghiệp (KCN) và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động tổng quy mô 10.000 ha. Đến nay tỉnh có nhà đầu tư đến 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đô thị tại Bình Dương phát triển nhanh, đặt ra nhu cầu cấp thiết phát triển trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất và phân phối tiêu dùng.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh mặc dù có sự phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ nhưng đa số chỉ cung cấp được các dịch vụ logistics 1PL (logistics tự cấp, chủ hàng tự cung cấp dịch vụ logistics bằng chính cơ sở vật chất của mình) và 2PL (logistics 1 phần, chủ hàng thuê 1 phần dịch vụ logistics). Mặc dù Bình Dương vẫn có một số trung tâm logistics lớn cung cấp được dịch vụ 3PL (logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ) nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng, do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Tại khu vực TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên và một số huyện phía bắc của tỉnh do số lượng doanh nghiệp còn ít nên ngành dịch vụ logistics chưa được quan tâm đầu tư. Tình trạng giao thông ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm trong ngày trên một số tuyến đường trọng điểm của tỉnh và có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua gây khó khăn cho việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn.
Trước thực trạng đó, cần có những chính sách cũng như quy hoạch phát triển logistics trên địa bàn tỉnh, hướng đến sự bền vững. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo ra không chỉ cơ hội mà còn là những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong hành trình hội nhập quốc tế. Hiện các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam và Bình Dương sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ nước ngoài về tài chính, hạ tầng, công nghệ, mạng lưới và nguồn nhân lực. Việc cung cấp dịch vụ logistics cho các nhà xuất khẩu nội địa phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về chi phí, thời gian và chất lượng, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương trên thị trường khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, phân phối, đặc biệt là xu hướng e-commerce và last-mile delivery (giao hàng chặng cuối).
Phát triển bền vững
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, cho biết: “Thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài tập hợp cơ sở lý luận về hệ thống logistics bền vững; phân tích thực trạng và xây dựng dự báo để làm căn cứ đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu tham khảo cho các tỉnh, thành khác trong khi chuẩn bị thực hiện đề tài phát triển logistics. Qua đó tăng cường tính liên kết vùng và liên ngành trong lĩnh vực logistics”.
Theo đánh giá, thông qua kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng các chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở bao gồm doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp chủ hàng có thể tham khảo áp dụng các đề xuất, giải pháp của đề tài vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương, qua đó góp phần gia tăng thuê ngoài dịch vụ logistics từ các doanh nghiệp chủ hàng. Các kết quả nghiên cứu là nguồn tài liệu tham khảo cho các đơn vị nghiên cứu, đơn vị đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời là nguồn dữ liệu giá trị cho các cơ quan quản lý của Nhà nước. Đối với kinh tế - xã hội và môi trường, đề tài đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đề xuất các vị trí trung tâm logistics tiềm năng, chú trọng đánh giá tác động môi trường đối với sự hình thành và phát triển của các trung tâm logistics cũng như hạ tầng giao thông vận tải. Qua đó góp phần để cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ ra quyết định phù hợp.
PHƯƠNG LÊ