Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Bình Dương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Các địa phương cũng đã tích cực khảo sát chọn địa điểm để cải tạo, nâng cấp các phòng khám khu vực thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
Khẩn trương thành lập
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các địa phương chọn các địa điểm thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên tinh thần tiết kiệm; tận dụng các điều kiện, cơ sở vật chất sẵn có để sửa chữa, nâng cấp đạt yêu cầu trở thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tại TP.Thuận An, trong những ngày qua, lực lượng thi công vẫn đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú (phường An Phú) rộng khoảng 5.000m2 thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố. Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thuận An, cho biết với tinh thần “4 tại chỗ”, để thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 đạt yêu cầu, địa điểm khảo sát được thành phố chọn tại những khu vực đông dân cư nhất của địa phương. Thành lập khu điều trị tại đây sẽ thuận lợi trong việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, kể cả sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các địa bàn giáp ranh thuộc TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên.
Đoàn công tác của tỉnh khảo sát địa điểm thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TX.Bến Cát. Ảnh: MINH DUY
Tương tự, ngay sau khi được tỉnh chấp thuận, TP.Dĩ An cũng đã bắt tay vào sửa chữa, nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực An Bình (phường An Bình) để trở thành khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết địa phương đã bàn giao lại 39 khu cách ly tập trung, đồng thời thành lập 17 trạm y tế lưu động để đưa y tế đến gần người dân, doanh nghiệp hơn. Sau khi hoàn thành sửa chữa, nâng cấp khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở phường An Bình, cùng với sự điều hành của Trung tâm Y tế thành phố và sự phối hợp giữa các trạm y tế lưu động, thành phố sẽ có mạng lưới y tế có thể đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở địa phương. Hiện nay, các địa phương còn lại của tỉnh cũng đã nhanh chóng khảo sát chọn địa điểm để cải tạo, nâng cấp thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Các khu điều trị sẽ đuợc triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống oxy trung tâm kết nối đến các giường bệnh; cải tạo đường ra vào khu điều trị; nhà chứa rác thải y tế; nhà chứa oxy; khu nhà ở của nhân viên tại khu điều trị…
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết tỉnh có chủ trương đưa y tế đến gần với người dân nhất bằng việc thành lập các trạm y tế lưu động; đồng thời chỉ đạo các huyện, thị, thành phố phải có khu điều trị bệnh nhân Covid-19. “Tỉnh đã khảo sát và chỉ đạo các địa phương tận dụng các phòng khám khu vực để sửa chữa, nâng cấp thành khu điều trị bệnh nhân Covid-19 bảo đảm yêu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác; qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm tâm lý ổn định cho bệnh nhân Covid-19. Các địa phương đã rất tích cực và cơ bản chuẩn bị được địa điểm thành lập khu điều trị; từng bước thu hẹp các khu cách ly tập trung, chuyển về khu điều trị bệnh nhân Covid-19”, ông Mai Hùng Dũng nói.
Cũng theo ông Mai Hùng Dũng, trở lại trạng thái “bình thường mới” theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, tỉnh đang triển khai xóa bỏ các khu cách ly tập trung và giải thể các bệnh viện dã chiến trong thời gian tới, đồng thời tách hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19 ra như một chuyên khoa điều trị dành cho các loại bệnh truyền nhiễm.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương, cho biết để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cần các giải pháp ứng phó khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, nguyên tắc ứng xử với người nhiễm Covid-19 phải phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm. Các địa phương cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vắc xin và ưu tiên cho họ cách ly, điều trị tại nhà; F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 TX.Bến Cát được bố trí tách biệt tại Khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế thị xã
Cũng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, dịch tại Bình Dương đã đi qua đỉnh khi số ca nhiễm đã xuống thấp. Tỉnh Bình Dương đã có quyết sách phù hợp trong tình hình mới khi đóng những khu cách ly diện rộng, xây dựng những khu điều trị Covid-19 chuyên nghiệp ở các huyện, thị, thành phố và đặc biệt là xây dựng hệ thống y tế cơ sở, đưa các trạm y tế vào các khu công nghiệp, tăng cường các tổ y tế lưu động gắn chặt với trung tâm y tế của các địa phương.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng với sự chuẩn bị như vậy, Bình Dương có thể mở rộng các hoạt động cho người dân được sinh hoạt, lao động bình thường; đồng thời cần cố gắng kiểm soát dịch theo phương châm khoa học, hiệu quả và tiết kiệm. Về lĩnh vực dịch tễ, tỉnh tiếp tục kế hoạch tầm soát, kiểm soát tốt các ổ dịch lớn trong cộng đồng để khoanh vùng diện nhỏ, không đưa đi cách ly mà thay vào đó thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân. Tỉnh cần tăng cường chất lượng điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật trong y học để giảm ca nặng, tử vong”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.
Được biết, hiện nay Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hồi sức cấp cứu cho bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh để góp phần nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, giảm thiểu ca nặng, ca tử vong trong thời gian tới.
MINH DUY