Để bảo tàng, nhà truyền thống đến gần hơn với cuộc sống

Cập nhật: 31-10-2011 | 00:00:00

Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa (LSVH) và đấu tranh cách mạng, trải qua quá trình biến đổi của lịch sử cùng với sự phát triển của xã hội, bên cạnh các di tích LSVH có giá trị, các thiết chế văn hóa mới như bảo tàng, nhà truyền thống (BT, NTT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển. Những thiết chế văn hóa này là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu những giá trị LSVH của địa phương. Đây là nguồn sử liệu quý giá cần được bảo tồn, phát huy giá trị, để góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước cũng như những thành tựu đạt được trong sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tăng cường thu thập các hiện vật để làm tăng thêm sự phong phú cho hệ thống BT, NTT

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT-DL), hiện nay, ở Bình Dương có 1 BT tỉnh và 9 NTT phân bố trên 7 huyện, thị trong đó có 5/9 NTT đã được trưng bày cố định (gồm NTT Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, NTT Đề pô xe lửa Dĩ An, NTT huyện Tân Uyên, NTT huyện Bến Cát, NTT huyện Phú Giáo) và các NTT của các huyện, thị còn lại đang tiến hành sưu tầm hiện vật và xây dựng đề cương tiến tới trưng bày cố định.

BT tỉnh (số 565 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TX.TDM) có tổng diện tích 13.000m2, trong đó diện tích xây dựng 3.500m2, diện tích trưng bày 2.000m2. BT tỉnh hiện đang lưu giữ hơn 13.000 hiện vật gốc, trong đó hiện vật trưng bày 1.500 và hơn 500 hình ảnh và tài liệu khoa học phụ được thể hiện thông qua 4 trung tâm trưng bày với 8 chủ đề: Lịch sử tự nhiên Bình Dương; Bình Dương thời tiền sơ sử đến thế kỷ XVI; thời kỳ khai phá lập làng và địa giới hành chính Bình Dương qua các thời kỳ; văn hóa cộng đồng các dân tộc; Bình Dương thời kỳ thuộc Pháp (1861-1945) và kháng chiến chống Pháp (1945-1954); Bình Dương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bình Dương trên đường hội nhập và phát triển; các ngành nghề thủ công truyền thống.

Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như cấp kinh phí hoạt động để BT và các NTT thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của mình. Hiện nay, hầu hết các thiết chế văn hóa của tỉnh đã được xây dựng trưng bày cố định và đi vào hoạt động có nề nếp, có hệ thống, thực hiện chức năng tuyên truyền lịch sử, văn hóa xã hội và các hoạt động chính trị của địa phương.

Những năm qua, số lượng khách tham quan đến với BT ngày một tăng, bình quân mỗi năm đón trên 60.000 lượt khách. Khách tham quan của BT tỉnh và các NTT chủ yếu là các đối tượng tham quan học tập và nghiên cứu (học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan nghiên cứu tại BT) đây là đối tượng khách tham quan chính và ổn định của BT. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn, những giờ học ngoại khóa hay những buổi sinh hoạt hè, nhà trường và các tổ chức Đoàn thường xuyên tổ chức chương trình về nguồn cho học sinh, sinh viên đến BT và NTT để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, xã hội của địa phương; đối tượng khách tham quan thưởng lãm (là những người có thời gian nhàn rỗi đến tham quan, vui chơi ở BT và NTT), đối tượng này còn rất hạn chế. Khách tham quan NTT huyện Tân Uyên

Tuy nhiên, hiện nay BT và NTT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực hiện tốt công tác quảng bá hình ảnh của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Vì vậy, nhiều người vẫn xem BT là nơi cất giữ hiện vật xưa, cũ chứ không trưng bày cho mình thưởng lãm và nghĩ rằng BT là nơi dành riêng cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà khảo cổ... còn người dân thì ít khi vào. Do đó, người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của BT bởi họ không biết BT là nơi lưu giữ di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, vào các dịp lễ tết chúng ta thấy người dân thường tìm đến các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch chứ họ chưa có khái niệm là sẽ đưa con em đến tham quan, vui chơi ở các BT nhất là các BT ở địa phương. Và nguyên nhân của tình hình này là do kinh phí hoạt động của các BT, NTT còn hạn chế, thiếu nhân lực; các NTT thường nhân viên không có chuyên môn nghiệp vụ, làm việc chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có sự phối hợp nhiệt tình của các tổ chức, đoàn thể và các ngành liên quan...

Phó Giám đốc Sở VH,TT-DL tỉnh Lê Phan Thuần:

Có thể nói, thời gian qua việc tuyên truyền quảng bá của BT và NTT đã được thực hiện nhưng chưa tốt, để giới thiệu BT đến được với công chúng cần có sự phối hợp giữa các ban ngành như ngành giáo dục và đào tạo, du lịch, thông tin và truyền thông... đặc biệt là quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để thu hút khách tham quan ngành sẽ thực hiện việc thay đổi hệ thống trưng bày cố định để tránh sự nhàm chán khi khách đến tham quan BT. Đầu tư thêm trang thiết bị hỗ trợ để giới thiệu như những thước phim tư liệu về lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giới thiệu quy trình sản xuất của các ngành thủ công truyền thống... Tổ chức hệ thống trưng bày ngoài trời với nội dung phong phú đồng thời kết hợp với các loại dịch vụ văn hóa khác, các khu vui chơi giải trí, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương cho các đối tượng là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các chương trình về nguồn cho học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Phát tờ rơi quảng bá hình ảnh BT và NTT. Lập trang web giới thiệu, phối hợp với ngành du lịch thiết kế các tour du lịch đến BT và các NTT. Tăng cường hợp tác và phối hợp nghiên cứu với các cơ quan tổ chức khoa học trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc giao lưu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp trong tình hình mới. Đồng thời mở rộng mạng lưới cộng tác viên của BT đến tận cơ sở, vận động nhân dân tham gia tích cực trong công tác bảo vệ di sản và trao tặng các hiện vật có giá trị.

Phó phòng VHTT huyện Tân Uyên Phan Thanh Tựu:

Là những người quản lý NTT huyện Tân Uyên, chúng tôi luôn cố gắng tìm mọi cách để thu hút người dân đến với NTT. Trong thời gian qua, đối tượng NTT phục vụ chủ yếu là các em học sinh. Ngày thường rất vắng, nhưng những ngày các trường tổ chức về nguồn thì lúc đó NTT mới tiếp đón được nhiều người đến. Để đưa người dân đến với NTT, hàng năm huyện đều tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử chiến khu Đ gắn với tìm hiểu di tích lịch sử đã được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh tại Tân Uyên nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Để không lặp lại bài cũ, mỗi năm hội thi tìm hiểu chiến khu Đ được thay đổi về nội dung, hình thức. Điều trăn trở của cán bộ quản lý NTT là lực lượng thuyết minh còn mỏng và yếu, bởi vậy cũng chưa thật sự thu hút người dân đến tìm hiểu và nghe về lịch sử tại NTT. Để khắc phục tình hình này, sắp tới Trung tâm VH-TT huyện sẽ tổ chức lớp thuyết minh, thuyết trình cho hơn 15 cán bộ, qua đó tạo nên một lượng cán bộ thuyết minh đông, được đào tạo có kinh nghiệm để những lúc khách tham quan muốn biết về lịch sử trong huyện sẽ có người hướng dẫn.

Chị Nguyễn Kim Lệ, cán bộ NTT TX.Thuận An:

Hiện nay người dân dường như quên lãng rằng tại thị xã có NTT. Trước đây, những ngày lễ, tết, ngày nghỉ nhiều người lớn tuổi, học sinh muốn tìm hiểu lịch sử trong tỉnh tìm đến với BT rất đông. Người làm công tác BT như tôi cũng cảm thấy rất vui vì được góp phần lưu truyền giá trị lịch sử đến với mọi người. Tuy nhiên, thời buổi công nghệ thông tin phát triển quá nhanh, chỉ cần một cái máy tính kết nối internet thì ở nhà họ vẫn tìm thấy những điều họ muốn biết không cần phải đến thư viện, BT hay NTT. Nhiều hiện vật được trưng bày trong tủ kính, trước kia thường được các bạn trẻ, các em học sinh tò mò hỏi đủ thứ về vũ khí chiến tranh, về những vật dụng sản xuất nông nghiệp ngày xưa. Nhưng giờ thì vắng hẳn, nhiều lúc sáng mở cửa chiều đóng cửa vẫn không có người đến xem.

Trước sự thờ ơ của mọi người đối với NTT, những cán bộ NTT như chúng tôi đã phải nghĩ ra nhiều cuộc thi, chương trình để thu hút người dân như: sắp xếp trưng bày chuyên đề vào những ngày lễ lớn, mừng Đảng - mừng xuân; phối hợp với Phòng Giáo dục TX.Thuận An tổ chức cuộc thi viết bài về NTT cho các em học sinh tại các trường trên địa bàn thị xã; phối hợp với Thị đoàn, tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu NTT cho đoàn viên thanh niên; trưng bày lưu động hiện vật, hình ảnh các thời kháng chiến, công cuộc xây dựng đất nước trong tỉnh tại các trường, để các em học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc, lịch sử tỉnh Bình Dương...

BÌNH MINH - TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=466
Quay lên trên