Kè chống sạt lở ở Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Qua khảo sát của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng 80% chiều dài bờ biển Đông và biển Tây bị sạt lở; trong đó, có 41km sạt lở ở mức nghiêm trọng, bốn đoạn sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với tổng chiều dài 17km.Tại khu vực nội đồng, hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch đều bị sạt lở với khoảng 25km sạt lở nghiêm trọng, điển hình là ở khu dân cư thị trấn Năm Căn, tình trạng sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng trên chiều dài 1,3km.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở hệ thống bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra, nhiều công trình dân sinh, kinh tế bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Mới đây, trong các ngày 18-20/5, trên địa bàn huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn đã xảy ra 10 điểm sạt lở đất với tổng chiều dài khoảng 220m, làm hàng chục nhà dân bị sụt lún hoàn toàn, thiệt hại hai cơ sở kinh doanh…, tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Để kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ven sông, ven biển, tỉnh Cà Mau đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đầu tư trồng rừng phòng hộ; xây dựng trên 17.000m hệ thống bờ kè với mức đầu tư trên 511 tỷ đồng; thực hiện các dự án tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí tái định cư các hộ di dân tự do, các hộ ở cửa sông, ngoài đê biển…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, để thực hiện hàng loạt các giải pháp công trình tại các vị trí xung yếu như dự án nâng cấp đê biển Tây, xây dựng đê biển Đông, xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở, chống ngập các khu dân cư… thì tỉnh Cà Mau chưa thể đáp ứng được nguồn vốn đầu tư.
Từ thực tế này, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông vẫn tiếp tục xảy ra và với mức độ ngày một nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện mùa mưa bão đang đến gần./.
(Theo TTXVN)