Để tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt

Cập nhật: 16-07-2020 | 07:56:59

 Nói về hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng từ chỗ hoạt động tự phát trong nhân dân, công tác hòa giải được pháp luật thừa nhận và trở thành một chế định có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhằm phát huy hiệu quả của công tác này, thời gian qua các cơ quan chức năng với vai trò quản lý nhà nước đã tăng cường quản lý đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nhu cầu hòa giải trong thời gian tới đây là rất cao, vì vậy cần phải củng cố, kiện toàn lực lượng hòa giải viên ở cơ sở; cần phải có sự chuyên nghiệp hóa cũng như tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của hòa giải cơ sở, giúp người dân hiểu biết hơn về chế định này.

Cũng tại buổi hội nghị trực tuyến về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với các ban, ngành tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua và nhận định công tác này làm tốt sẽ giúp thắt chặt tình làng nghĩa xóm, hạn chế được các tranh chấp phát sinh; giảm tải được áp lực đối với cơ quan tư pháp.

Có thể nói sự ghi nhận của chế định hòa giải được đánh một dấu mốc quan trọng với sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến cuối năm 2019 cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với hơn 600.000 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải thường có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, đại diện công tác mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng các tổ chức đoàn thể...

Trong khi đó theo báo cáo của Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các địa phương trong cả nước đã tiếp nhận tổng số 875.313 vụ việc, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%. Riêng ở Bình Dương, tính đến tháng 4-2019 toàn tỉnh có 592 tổ hòa giải với 4.388 hòa giải viên. Trong 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 7.253 vụ việc; trong đó hòa giải thành hơn 6.000 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 83%.

Với những thành công trong công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua, có thể nói chế định này đã góp phần giúp thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ ban đầu được dựa trên tình, lý, từ đó hiệu quả được nâng cao, mâu thuẫn được hóa giải nhưng vẫn không làm sứt mẻ tình cảm của những người trong cuộc. Việc hòa giải cũng hạn chế phát sinh các “điểm nóng” về khiếu kiện gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

 L.T.PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=453
Quay lên trên