Để việc chăn nuôi chim yến không gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân: Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để người chăn nuôi yên tâm

Cập nhật: 02-10-2020 | 07:34:11

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tất cả nhằm hướng đến hỗ trợ nông dân tốt hơn (tập trung vào các hộ nuôi chim yến) và xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.


Một nhà nuôi chim yến được tận dụng xây thêm trên mái nhà. Ảnh: NGUYỄN HẬU

Hội nghị này được tổ chức để phản biện xã hội về 2 dự thảo nghị quyết trình HĐND, gồm: “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là NQ1) và “Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2021- 2025” (gọi tắt là NQ 2).

Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với các điểm cầu của 9 huyện, thị, thành phố. Có 493 đại biểu là đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, các thành viên Hội đồng tư vấn của MTTQ; đại diện các đoàn thể - chính trị xã hội tham dự. Đặc biệt hội nghị còn có các chủ cơ sở nuôi chim yến tham dự để họ trực tiếp nói lên tình hình thực tế, khó khăn, thuận lợi trong việc nuôi chim yến (thực chất là dẫn dụ chim yến về làm tổ và thu hoạch thành phẩm).

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày sự cần thiết ban hành 2 nghị quyết trên và đề nghị các đại biểu trong hội đồng phản biện cấp tỉnh, cấp huyện cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình HĐND biểu quyết thông qua.

Trong tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về dự thảo NQ 1 đã nhận định: Ngành chăn nuôi của tỉnh trong những năm gần đây phát triển rất nhanh, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành chăn nuôi từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số trang trại chăn nuôi nằm trong nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, có nguy cơ cao làm phát sinh dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng do địa bàn đông dân cư sinh sống. Bên cạnh đó, việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển theo hướng tự phát dẫn đến tình trạng không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường, gây rủi ro về dịch bệnh và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chính quyền chưa có quản lý chặt chẽ, những quy định về công tác quản lý còn hạn chế.

Đa số đại biểu đều tán thành nội dung và thống nhất cao việc cần thiết ban hành nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho người dân yên tâm chăn nuôi. Các ý kiến phản biện tập trung vào quy định các khu vực không được phép chăn nuôi; vùng chăn nuôi yến; chính sách hỗ trợ di dời và phương án di dời các trang trại chăn nuôi… Một số ý kiến cho rằng cần phải quy hoạch phân vùng chăn nuôi yến theo hướng khu vực có tiềm năng, mang tính lâu dài và phải có lộ trình. Bên cạnh đó là tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức, ý thức trong chăn nuôi để không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh; có biện pháp ngăn chặn việc chăn nuôi tự phát, săn bắt chim yến trong tự nhiên…

Các thành viên Hội đồng tư vấn của MTTQ cũng đã đề nghị dự thảo cần nêu rõ hơn các quy định về Luật Ngân sách Nhà nước (2015), Luật Chăn nuôi (2018) để hướng dẫn người dân thật cụ thể, đặc biệt là với người dân đã đầu tư nuôi chim yến để tránh thiệt hại cho người nuôi, không ảnh hưởng đến môi trường sống, ảnh hưởng bởi tiếng ồn gây phiền hà cho người dân quanh khu vực nuôi yến.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo các nghị quyết; nghiên cứu thêm để nâng cao tính thuyết phục, giúp nghị quyết khi được ban hành nhận được sự đồng thuận của người dân. Các ý kiến sẽ được tổng hợp và trình HĐND tỉnh xem xét, giải quyết, hỗ trợ người dân theo hướng phát triển ổn định, lâu dài.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1566
Quay lên trên