Theo nghiên cứu mới đây cho thấy, những người năng vận động thể chất ít bị rối loạn đường huyết hơn.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Diabetes Care của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington tại Seattle đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu kỹ hơn về những lợi ích của việc đi bộ.
Theo nghiên cứu, hơn 1800 người đeo một thiết bị đo bước đi ở bên hông trong thời gian 1 tuần để đếm số bước đi mà họ vận động mỗi ngày. Kết quả, 25% đối tượng được xem là vận động ít, bước ít hơn 3500 bước mỗi ngày, trong khi 50% số đối tượng vận động ít hơn 7800 bước mỗi ngày.
Khi bắt đầu nghiên cứu, không đối tượng nào bị tiểu đường. Sau 5 năm theo dõi, có 243 người mắc bệnh này. Khoảng 17% số người trong nhóm vận động ít nhất bị tiểu đường so với tỷ lệ là 12% số người trong nhóm vân động hơn 3500 bước mỗi ngày.
Theo các nhà nghiên cứu, những người đi bộ nhiều nhất giảm được 29% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với người đi bộ ít nhất.
Hoạt động thể chất cũng có các tác dụng đến tình trạng viêm, đường và các phân tử khác trong cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Chúng ta thường ngại đến phòng tập thể dục, nhưng phần lớn những người mắc bệnh tiểu đường đều có thể vận động nhiều hơn thông qua đi bộ. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thậm chí vận động cơ thể nhẹ nhàng cũng cải thiện được việc kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2.
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một bệnh không lây nhiễm nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng với nhiều người bị mắc phải trong cộng đồng. Cần biết một số vấn đề cơ bản của bệnh tiểu đường để có biện pháp phòng ngừa, theo dõi và chăm sóc khi bị mắc bệnh.
Đường là chất cung cấp năng lượng cho mọi hoạt dộng của cơ thể. Chỉ số đường huyết đo được lúc đói bình thường được duy trì trong một giá trị hẹp từ 70 - 125 mg/dL hay 3.9 - 6.9 mmol/L do sự cân bằng giữa lượng đường đưa vào máu chủ yếu từ gan, từ ruột non sau khi ăn và lượng đường lấy ra khỏi máu do sự tiêu thụ của các mô tế bào trong cơ thể.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi phát hiện các dấu hiệu và yếu tố nguy cơ bị bệnh tiểu đường với 4 triệu chứng gợi ý như ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, gầy sút nhanh hoặc tình trạng thừa cân hay béo phì, đặc biệt ở người trên 40 tuổi mặc dù không có đủ cả 4 triệu chứng gợi ý trên đều phải đến cơ sở y tế để khám xác định bệnh.
Ngoài ra, nếu phát hiện các dấu hiệu và yếu tố nguy cơ khác cũng phải cần đến cơ sở y tế để xác định như đường huyết cao trên 270 mg/dL hay 15 mmol/L, tình trạng khát nước tăng lên, đi tiểu nhiều, đau chân khi đi lại, vã nhiều mồ hôi, run chân tay; đau bụng, nôn, buồn nôn; dấu hiệu của biến chứng với biểu hiện lú lẫn, ý thức chậm chạp hoặc hôn mê, sốt kéo dài, tê chân tay, loét chân, đau ngực, khó thở, tiểu ít, phù, mờ mắt, liệt, ho kéo dài...
Đồng thời cũng cần chú ý đến tình trạng viêm lợi, viêm âm đạo dai dẳng, mụn nhọt hay tái phát, xét nghiệm HbAlc trên 6,5%; các trường hợp tăng huyết áp, bố hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường, phụ nữ có tiền sử bị bệnh tiểu đường khi mang thai hoặc sinh con nặng trên 4 kg, bệnh đa nang buồng trứng, rối loạn lipide máu... để đến cơ sở y tế khám phất hiện bệnh tiểu đường.
Tác dụng của việc đi bộ: Giúp kiểm sốt trọng lượng cơ thể, giảm khối lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, giúp có một thân hình cân đối, khỏe mạnh; Bảo vệ xương, làm cho xương chắc khỏe, giúp ngăn chặn loãng xương nhờ vận động nhẹ nhàng đều đặn, hệ xương được nuôi dưỡng tốt, khả năng hấp thụ canxi và phospho được tăng cường, đẩy lùi quá trình loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và phụ nữ thời kỳ mãn kinh ; Tăng sự hưng phấn, chống trầm cảm lo âu, giúp có giấc ngủ tốt, tránh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi; Đi bộ có tác dụng rất tốt cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, do đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như: bệnh mạch vành, đột quỵ, tăng huyết áp,… Ngoài ra còn làm giảm cholesterol ở những người có nồng độ cholesterol cao trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, nguy cơ mắc ung thư đại tràng,…
Theo VnMedia