Dịch bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp

Cập nhật: 25-07-2023 | 08:46:05

 Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận số ca mắc cao, nhưng người dân vẫn lơ là trong phòng, chống. Ngành y tế và các ban, ngành, địa phương của tỉnh vẫn đang đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

 Bệnh tay chân miệng vẫn đang gia tăng ca mắc

 Số ca mắc tăng cao

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.700 ca mắc bệnh TCM, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022 và có 2 trường hợp tử vong. Bệnh TCM đang có xu hướng tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Địa phương có ca mắc cao là TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Tân Uyên, TX.Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, 7 xã, phường đang là điểm nóng với 5 tuần gần đây ghi nhận mỗi tuần khoảng 10 ca mắc mới.

Điển hình như tại TP.Thuận An, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã ghi nhận 436 ca bệnh, trong đó có 2 trường hợp tử vong và 3 điểm nóng về dịch bệnh tại phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú.

Hiện toàn tỉnh ghi nhận 74 ca bệnh nặng, tỷ lệ ca nặng độ 2b trở lên chiếm 4% tổng số ca mắc. Hai nhóm tuổi có số ca mắc cao là từ 1 đến 2 tuổi (chiếm 33,1%) và từ 2 đến dưới 6 tuổi (chiếm 54,68%). Hai nhóm tuổi này thuộc nhóm trẻ và mẫu giáo.

Đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Qua các số liệu mà chúng tôi theo dõi, cộng với các báo cáo, dự báo năm nay bệnh TCM diễn biến phức tạp. Số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là tỉnh đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh”.

Chủ động phòng dịch bệnh

Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Với tình hình hiện tại, bệnh TCM rất dễ lây lan thành dịch. Vi rút gây bệnh có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường bên ngoài qua phân, nước bọt. Bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả là giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Khi trẻ sốt cao đột ngột, người nhà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn theo dõi và can thiệp, điều trị kịp thời.

Ngành y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non; chú trọng giáo dục trẻ, bảo mẫu rửa tay sạch sẽ, đúng cách để phòng bệnh. Việc phòng ngừa bệnh TCM không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu ở các trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thường xuyên rửa tay sạch, giữ gìn vệ sinh trong gia đình và chủ động phát hiện bệnh sớm.

Được biết, trước đó Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

 Hiện nay, công tác phòng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do có sự di biến động dân số. Mật độ dân cư cao tại các khu nhà trọ tạo thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Một số công nhân khó khăn trong xin nghỉ việc để chăm sóc trẻ cách ly tại nhà nên một số trẻ cách ly chưa đủ thời gian. Hơn nữa, hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của một số phụ huynh, người chăm sóc trẻ có chuyển biến nhưng còn rất chậm, chưa duy trì thường xuyên.

 H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên