Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 11/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 499.132.359 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.203.322 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là hơn 448 triệu người.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 154.778 ca nhiễm mới và 385 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 82 triệu ca mắc, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong.
Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 661.000 ca).
Tính theo khu vực, châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với hơn 183,9 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,78 triệu ca tử vong.
Châu Á đứng thứ hai với hơn 143,7 triệu ca mắc và hơn 1,41 triệu ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 97 triệu ca mắc và hơn 1,44 triệu ca tử vong, trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là hơn 56,4 triệu ca mắc và hơn 1,29 triệu ca tử vong.
Hàn Quốc ngày 11/4 ghi nhận 90.928 ca nhiễm mới và 258 ca tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 1 tuần qua, số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc giảm xuống dưới 100.000 ca.
Hiện, tổng số ca bệnh và tử vong tại Hàn Quốc đã tăng lên lần lượt là 15.424.598 ca và 19.679 ca. Làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Hàn Quốc đang trên đà giảm sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng Ba vừa qua.
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới theo ngày tại Italy cũng đang giảm khi ngày 10/4 ghi nhận 53.253 ca mắc mới, giảm so với 63.992 ca thông báo ngày trước đó. Số ca tử vong cũng giảm từ mức 112 ca xuống 90 ca trong cùng thời gian trên.
Hiện, Italy có tổng cộng 160.748 người không qua khỏi vì COVID-19, số ca tử vong cao thứ 2 ở châu Âu sau Anh và cao thứ 8 thế giới.
Pháp ngày 10/4 thông báo có thêm 107.654 ca nhiễm mới và 28 ca tử vong vì COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh và tử vong tại Pháp lần lượt là hơn 26,9 triệu ca và hơn 143.000 ca. Pháp hiện là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất châu Âu.
Chính phủ Chile ngày 10/4 cho biết sẽ mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ của nước này từ ngày 1/5 tới sau hơn 2 năm đóng cửa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Từ ngày 14/4 tới, việc đeo khẩu trang trong các không gian mở cũng sẽ không còn là bắt buộc ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm thấp hoặc trung bình.
Bộ Nội vụ Chile cho biết sẽ cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế nghiên cứu các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và sẽ công bố hướng dẫn chi tiết vào ngày 12/4 tới./.
Theo TTXVN