Dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) thường được các nhà mạng viễn thông đưa vào khai thác, bên cạnh việc cung cấp thoại/tin nhắn thông thường. Mỗi nhà mạng lại có dịch vụ khác nhau nhằm tận dụng tối đa lượng khách hàng hiện có, đa phần đều tập trung vào vấn đề giải trí, tiện ích. Tuy nhiên, nếu không chú ý, người dùng sẽ bị “móc túi” hàng ngày mà không hề hay biết!
Nếu không cẩn trọng khi đọc tin nhắn quảng cáo của nhà mạng, người dùng rất dễ bấm vào đường link dịch vụ GTGT. Trong ảnh: Tin quảng cáo của một nhà mạng Ảnh: HOÀNG PHẠM
“Bẫy” bằng tin nhắn?
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Việt Thắng (ở xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), cho biết khi có quyết định xử lý tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo thì hầu như các tin nhắn từ sim rác không còn, thay vào đó là tin nhắn của nhà mạng. Vì là đầu số của nhà mạng nên anh cũng tin tưởng, nhưng không chú ý là sẽ kích hoạt các dịch vụ GTGT, vì đường link nhà mạng gửi kèm theo tin nhắn được bố trí rất khéo, không chú ý là bấm phải.
Qua tìm hiểu một số nội dung tin nhắn của nhà mạng, người sử dụng dễ nhận thấy là mở đầu tin nhắn có ghi tên nhà mạng, khiến người dùng an tâm vì không phải tin nhắn rác; còn phần đường link bố trí ở vị trí rất dễ bấm vào và rất khó phát hiện, nếu người dùng không chú ý. “Chẳng may lỡ bấm vào đường link đăng ký dịch vụ thì mình cũng không biết, vì thường 1 - 2 ngày đầu nhà mạng miễn phí, sau đó mới tính phí. Trung bình một dịch vụ, nhà mạng tính phí từ 2.000 - 5.000 đồng/ngày”, anh Thắng nói.
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Thái Nguyên (Văn phòng Luật sư Phạm Hữu Tình, TP.Thủ Dầu Một), cho biết hầu hết các trường hợp thuê bao di động khiếu nại về việc bị thu phí sử dụng dịch vụ GTGT người dùng thường phải chịu thiệt, do nhà mạng luôn có đầy đủ số liệu về thời điểm kích hoạt, thời gian sử dụng dịch vụ. Nhà mạng cũng dễ dàng đưa ra các lý do đẩy trách nhiệm kích hoạt dịch vụ về phía khách hàng, như tự tay kích hoạt mà không để ý, cho người khác mượn điện thoại, ứng dụng trong điện thoại tự kích hoạt dịch vụ... để thu tiền của khách hàng.
Cẩn trọng vẫn hơn
Chị Nhật Trang (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), cho rằng thực tế đây là hành vi gây phiền toái cho người sử dụng. Không ít người dùng mất tiền oan khi vô tình nhấn “đồng ý”. Thậm chí, để tránh nhận tin nhắn rác hoặc hủy những dịch vụ đã đăng ký, người dùng cũng phải mất thời gian.
Để hạn chế vấn đề này, một số biện pháp được người dùng áp dụng như tra cứu dịch vụ GTGT của nhà mạng để kiểm tra các dịch vụ đã tự đăng ký hoặc tự kích hoạt để thông báo đến nhà mạng hủy các dịch vụ không cần thiết. Ngoài ra, các chuyên gia công nghệ thông tin cũng khuyến nghị người dùng khi cài một ứng dụng (app), trò chơi… phải xem kỹ có các dịch vụ GTGT đi kèm hay không, cần xác nhận quyền cho phép truy cập các mục trên điện thoại…
Luật sư Nguyên cũng cho rằng, hiện nay các nhà mạng còn liên kết với nhiều đơn vị khác tung ra hàng loạt dịch vụ như cước 3G/4G, dịch vụ cung cấp tin tức, xổ số... bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp đến từng thuê bao để quảng bá, mời gọi. Để tránh bị móc túi oan, người tiêu dùng phải luôn cẩn trọng với những thao tác trên điện thoại, đặc biệt khi sử dụng điện thoại thông minh.
Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13-8-2008 của Chính phủ về chống thư rác quy định: Phải có phần hướng dẫn người nhận từ chối tin nhắn quảng cáo mà người dùng đã đăng ký nhận trước đó. Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó. Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo không được phép thu cước phát sinh để thực hiện yêu cầu từ chối nhận quảng cáo của người nhận.
KHÁNH ĐĂNG