Diễn viên múa “gian nan” tuổi nghề

Cập nhật: 28-11-2014 | 10:06:03

Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh hiện có gần 20 diễn viên (DV) múa, đam mê nghiệp diễn, họ luôn nỗ lực biểu diễn tốt để phục vụ nhu cầu, giải trí của khán giả. Tuy nhiên, tuổi nghề của những DV múa không cao, khi không còn sức để bay nhảy trên sân khấu liệu họ sẽ đi về đâu?

Một tiết mục múa của DV Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh.  Ảnh: T.LÝ

Đến với nghề múa từ niềm đam mê, nhiều DV múa đã rơi nước mắt trong những “lò” luyện tại các trường đại học, cao đẳng. Sau đó, họ lại tiếp tục rèn luyện, trau dồi kỹ năng, khả năng biểu diễn trên các sân khấu tại đơn vị công tác. Trải qua nhiều nỗi vui, buồn của nghiệp múa nhưng ai nấy đều vui và hạnh phúc bởi mình đã chọn đúng con đường để thỏa niềm đam mê. DV Trần Văn Tô Luýt (SN 1990) góp mặt vào đội múa của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh hơn 2 năm. Tô Luýt sinh ra trong gia đình không ai theo nghệ thuật tại Huế. Học xong lớp 12, Luýt đăng ký thi vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế theo lời gợi ý của chị DV múa gần nhà. Với số điểm dự thi khá cao, Luýt đã chọn nghiệp múa cho tương lai của mình. “Khi em đi học múa nhiều người xung quanh chê cười. Họ bảo con trai học múa lúc nào cũng ẻo lả. Vào nghề mới biết, DV múa nam nhiều động tác cần mềm dẻo nhưng cũng phải có sự cứng rắn, sức khỏe mới tập được”, Luýt nói.

Không may mắn được sự đồng tình của gia đình như Luýt, Bùi Thị Thảo (SN 1989), quê Thanh Hóa đến với DV múa trong sự ngăn cản của gia đình. Vốn là cô học sinh có thành tích khá, gia đình luôn mong con gái của mình sẽ học những ngành kinh tế hay sư phạm, nhưng Thảo đã chọn con đường trở thành DV. Thảo tâm sự, nhiều DV múa có nền tảng từ nhỏ sẽ dễ dàng tập luyện. Những ngày đầu tập luyện, cơ thể luôn bị sưng, bầm, thậm chí đi lại khó khăn. Thế nhưng, đã đam mê nghề dù đau đớn Thảo cũng cố gắng tập luyện để hoàn thành bài tập. Giờ đây về công tác tại, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Thảo đang ngày đêm “thắp lửa” cho niền đam mê để trở thành những DV xuất sắc.

Để trở thành DV múa phải khổ luyện nên khi được biểu diễn, sống trong niềm đam mê những DV ấy đã nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, với đặc điểm và đòi hỏi có phần khắc nghiệt của môi trường nghệ thuật, nên chỉ khoảng 35 tuổi DV múa được xem như đã hết tuổi. Với tuổi nghề khá ngắn, trong thời gian tới bên cạnh nhiệm vụ luyện tập và biểu diễn, mỗi DV múa cần tự mình nỗ lực, phấn đấu tham gia vào các chương trình đào tạo để chuẩn bị tốt cho tương lai của bản thân khi phải rời sân khấu. “Em cũng đã ý thức được thời gian cống hiến cho nghề của mình khá ngắn nên sẽ quyết tâm đi học biên đạo. Có nghề mới trong tay, em sẽ xin làm biên đạo để vừa có thể sống trong nghề, vừa có cuộc sống mưu sinh ổn định”, Tô Luýt nói.

Rời sân khấu trong khi tuổi đời còn rất trẻ, DV sẽ được bố trí công việc khác hay phải rời đoàn để tự tìm kiếm một công việc khác mưu sinh? Đây là điều khiến cho các DV múa không khỏi lo lắng.

Ông TRẦN THANH SƠN, Phó trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết, để DV múa yên tâm công tác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thực hiện mức lương, thưởng khá cao cho DV. Ngoài ra, đoàn luôn tạo mọi điều kiện để họ đăng ký theo học các khóa đào tạo chuyên ngành về văn hóa, như biên đạo múa, quản lý văn hóa... Sau khi việc học hoàn tất, cơ quan chủ quản sẽ bố trí vị trí công tác mới, hoặc họ tự tạo việc làm phù hợp. Hiện nay, đoàn đã giới thiệu được nhiều em vào làm lại Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao các huyện, thị, thành phố.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=873
Quay lên trên