Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường: Hướng tới thành phố thông minh Bình Dương

Cập nhật: 20-05-2021 | 08:19:38

Nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy văn, môi trường các kênh, rạch, sông, suối chính trên địa bàn tỉnh, đồng thời để phục vụ cho việc hướng tới thành phố thông minh, Bình Dương đã triển khai đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.


Nhóm nghiên cứu lấy mẫu nước trên sông Thị Tính

Xây dựng cơ sở dữ liệu

Song song với phát triển kinh tế, Bình Dương phải đối mặt với áp lực đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ suy thoái và ô nhiễm nguồn nước cao. Giai đoạn hiện nay, tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị cũng đang tăng rất nhanh, nhiều dự án đầu tư mới, nhiều nhà máy bên ngoài khu, cụm công nghiệp và khu vực phía nam của tỉnh chuyển dịch, tập trung về phía bắc sẽ tạo áp lực lớn lên các nguồn tiếp nhận nước thải phía thượng nguồn. Việc bố trí đầu tư phát triển công nghiệp cần có một cơ sở khoa học và thực tiễn để ra quyết định phù hợp. Trong đó, quản lý đầu tư theo tiểu lưu vực sông, dựa vào sức chịu tải và khả năng tiếp nhận của nguồn nước là hướng tiếp cận phù hợp đối với giai đoạn hiện nay.

Để đánh giá xu thế chất lượng và quản lý nguồn nước, Bình Dương đã có quy hoạch mạng lưới quan trắc (năm 2011), quy hoạch tài nguyên nước (năm 2016), quy hoạch danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ (năm 2017) cùng nhiều nghiên cứu khác về tài nguyên nước. Tuy nhiên các số liệu chủ yếu nhằm đánh giá xu thế chất lượng nước, phát hiện và cảnh báo những sông suối, kênh rạch, những đoạn sông suối kênh rạch ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm. Việc đo đạc, đánh giá xu thế thủy văn còn nhiều hạn chế, chưa đủ cơ sở chuỗi dữ liệu về thủy văn, chất lượng một cách đầy đủ và hệ thống, chưa xây dựng được công cụ để đánh giá khả năng chịu tải trên phạm vi toàn tỉnh.

Việc đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh là một nhiệm vụ cấp thiết để phục vụ yêu cầu của quản lý, quy hoạch, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội mà không gây tổn hại cho môi trường. Ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, cho biết: “Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy văn, môi trường cho các kênh, rạch, sông, suối chính trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải theo lưu vực phục vụ đánh giá sức chịu tải và cấp phép xả thải; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải, đồng thời dự báo xu thế chất lượng nước của các kênh, rạch, sông, suối chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

Hướng tới thành phố thông minh

Trên cơ sở các kết quả đánh giá về nguồn thải và khả năng tiếp nhận nước thải, đề án đề xuất các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm kiểm soát tốt các nguồn thải, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường nước mặt trên các kênh, rạch, sông, suối chính là nguồn tiếp nhận chất thải công nghiệp và đô thị. Theo đó, trung tâm tổng hợp, xây dựng cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bao gồm các giải pháp chung và các giải pháp riêng cho từng nhóm lưu vực (nhóm ô nhiễm, nhóm có nguy cơ ô nhiễm và nhóm còn lại) hoặc các giải pháp riêng cho từng lưu vực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa để cải thiện chất lượng môi trường. Xây dựng và vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng nhu cầu bức bách nước thải hiện nay và trong trương lai.

Ông Nguyễn Thế Tùng Lâm cho biết thêm, đến nay đề án đã nghiệm thu sản phẩm đợt 1, còn nghiệm thu đợt cuối. Khi đề án hoàn thành, các dữ liệu nguồn thải, quan trắc tự động, khí tượng thủy văn… sẽ được kết nối thành một hệ cơ sở dữ liệu môi trường chung gắn liền với GIS. Với cơ sở dữ liệu đã liên kết, thông qua mô hình tính toán ô nhiễm Mike và các số liệu dự báo toàn cầu sẽ mô phỏng kịp thời dự báo chất lượng nước, cảnh báo khả năng vượt ngưỡng, sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường, đặc biệt cho phép tìm ra nguyên nhân và dự báo các sự cố môi trường nhanh hơn và có sơ sở khoa học hơn.

“Hiện nay, dữ liệu quan trắc chỉ mới dừng lại ở mức độ chia sẻ cho các tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý; hình thức chia sẻ được thực hiện bằng cách gửi tài liệu trực tiếp nên còn chưa mở rộng đối tượng tiếp cận và sử dụng… Chúng tôi đã xây dựng đề án với định hướng mở, lâu dài để sẵn sàng kết nối dữ liệu với các nền tảng và có thể nâng cấp nhằm đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo thông minh theo thời gian thực. Với hệ thống cơ sở dữ liệu đã tích hợp của đề án cùng việc nâng cấp phần mềm xử lý số liệu quan trắc theo Thông tư số 24/2017/TT-BTNT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu quan trắc sẽ được chia sẻ đến người dân nhanh, kịp thời, dễ hiểu thông qua các ứng dụng thông minh”, ông Nguyễn Thế Tùng Lâm nói.

Chúng tôi đã xây dựng đề án với định hướng mở, lâu dài để sẵn sàng kết nối dữ liệu với các nền tảng và có thể nâng cấp nhằm đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo thông minh theo thời gian thực. Với hệ thống cơ sở dữ liệu đã tích hợp của đề án cùng việc nâng cấp phần mềm xử lý số liệu quan trắc theo Thông tư số 24/2017/TT-BTNT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dữ liệu quan trắc sẽ được chia sẻ đến người dân nhanh, kịp thời, dễ hiểu thông qua các ứng dụng thông minh”, ông Nguyễn Thế Tùng Lâm nói.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên