Đợt cấp triệu chứng sau gắng sức là một trong những biểu hiện của hậu Covid-19 kéo dài khiến chất lượng cuộc sống giảm sút. Bệnh nhân bị bệnh Covid-19 đã từng nhập viện, điều trị hồi sức tích cực (ICU) dài ngày có nguy cơ xuất hiện hội chứng hậu Covid-19 nhiều hơn.
Triệu chứng sau gắng sức
Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.N, nam, 40 tuổi đã khỏi bệnh Covid-19 được 6 tháng nhưng thường xuyên bị hồi hộp, hụt hơi, không được khỏe “như trước kia” khiến chất lượng cuộc sống giảm sút. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm nghỉ, đau giữa lồng ngực rồi lan ra sau lưng, vai trái và cằm. Khi bệnh nhân đi 10 bước thì SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) đã tụt từ bình thường xuống dưới 90%. Trước đó, bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng phải thở oxy dòng cao (HFNC). Sau khi xuất viện, bệnh nhân tái khám ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1. Kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bị ảnh hưởng đợt cấp triệu chứng sau gắng sức, rối loạn giấc ngủ cùng những di chứng Covid-19 kéo dài. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu hàng ngày, kê đơn thuốc và hướng dẫn các bài tập ở nhà. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân N.T.N. đã cải thiện, đã ngủ được 4 - 5 tiếng/ngày nhưng vẫn khó thở lúc đi bộ xa, gắng sức.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng hậu Covid-19 là mệt mỏi hoặc kiệt sức với đặc trưng là không dễ dàng thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, gây hạn chế các hoạt động hàng ngày và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân này có thể gặp phải đợt cấp triệu chứng sau gắng sức. Có khoảng 75% bệnh nhân bị hội chứng hậu Covid-19 gặp đợt cấp triệu chứng sau gắng sức sau 6 tháng. Đợt cấp triệu chứng sau gắng sức là sự khởi phát hoặc trở nên tồi tệ hơn của các triệu chứng sau hoạt động thể chất, nhận thức, cảm xúc hoặc hoạt động xã hội tối thiểu mà trước đây có thể chịu đựng được.
Các triệu chứng gồm: Mệt mỏi hoặc kiệt sức, rối loạn chức năng nhận thức, đau, sốt, rối loạn giấc ngủ, thở khò khè, tiêu chảy, rối loạn chức năng khứu giác, rối loạn nhịp tim và không dung nạp các bài tập. Những triệu chứng thường trở nên tồi tệ hơn từ 12 - 48 giờ sau khi hoạt động và có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần. Bảng câu hỏi triệu chứng sau gắng sức rút gọn được thiết kế để đánh giá tần suất và mức độ nghiêm trọng của đợt cấp triệu chứng sau gắng sức. Đây là công cụ sàng lọc hữu ích trước khi đưa ra chương trình can thiệp cho bệnh nhân hội chứng hậu Covid-19.
Chia sẻ về ứng phó đợt cấp triệu chứng sau gắng sức, ThS.BS CKI Nguyễn Trung Nghĩa, Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: “Sau khi khỏi bệnh Covid-19, người bệnh không nên cố gắng vượt qua giới hạn sức lực, cố gắng quá sức có thể gây hại cho quá trình hồi phục và nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Hoạt động thể chất, tập thể dục cần bảo đảm sự thận trọng cho những người bị Covid-19 kéo dài và các triệu chứng dai dẳng. Tập thở theo các bài tập phục hồi đường thở hàng ngày, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp người bệnh mau bình phục”.
Hiểu về hậu Covid-19 kéo dài
Triệu chứng hậu Covid-19 nặng hay nhẹ cũng tùy vào tình trạng mắc Covid-19 nặng hay nhẹ, vào bệnh viện hay hồi sức tích cực (ICU) của từng bệnh nhân. Lý giải Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm, vi rút SARS-CoV-2 tấn công vào nhiều loại tế bào trong cơ thể, nhất là các tế bào màng trong của mạch máu và các cơ quan hô hấp, kích hoạt hệ miễn dịch, gây ra các tổn thương cho hệ miễn dịch. Do mạch máu có ở tất cả mọi nơi trong cơ thể, nên bệnh Covid-19 có thể gây tổn thương ở tất cả các cơ quan. Các tổn thương liên quan đến mạch máu mất nhiều thời gian để hồi phục.
Bệnh nhân nhập viện, dùng máy thở, thuốc kháng vi rút, thuốc ức chế hệ miễn dịch… có thể dẫn đến các tổn thương khác nhau. Bệnh nhân nằm viện một vài ngày có thể làm cơ bắp yếu đi, nằm giường bệnh vài tuần có thể làm teo cơ. Đặc biệt là bệnh nhân thở máy càng làm hệ cơ xương yếu đi, khả năng đi lại yếu hẳn sau khi phục hồi Covid-19. Các thuốc kháng vi rút hay thuốc ức chế có thể gây tác dụng phụ lên gan hoặc thận. Thuốc steroid có thể làm nặng thêm các bệnh nền như đái tháo đường hay tăng huyết áp. Hội chứng sau khi nằm khoa ICU gồm các triệu chứng mạn tính. Khoảng 1/3 bệnh nhân vào ICU sẽ thở máy và các di chứng sau khi cai thở máy như khó thở, ho, đổi giọng, có thể kéo dài nhiều tháng sau khi bệnh nhân ra khỏi ICU. Các triệu chứng khác như chậm suy nghĩ, khó tập trung, không nhớ... có thể kèm thêm sau khi xuất viện.
Hiện nay việc điều trị tình trạng hậu Covid-19 là điều trị không đặc hiệu, điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng. Nhiều người lo lắng và đi khám hậu Covid-19, tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép. Các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng liên quan đến Covid-19, tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất. Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng Covid-19 là phòng ngừa tránh mắc bệnh Covid-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm ngừa Covid-19, hãy tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ngay khi có thể để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.
HOÀNG LINH