Bộ Y tế vừa phát động chiến dịch truyền thông Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2019. Tuần lễ diễn ra từ ngày 16 đến 23-10 với chủ đề: “Dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe”. Tại Bình Dương, vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em luôn được quan tâm thực hiện, trong đó có các hoạt động truyền thông về dinh dưỡng và phát triển trong tuần lễ này...
Hội thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi giúp đội ngũ cộng tác viên cơ sở củng cố, nâng cao kiến thức
Sinh ra một đứa con khỏe mạnh, nuôi con khôn lớn phát triển về thể lực lẫn trí lực là niềm mong muốn của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, không phải tất cả những đứa trẻ sinh ra đều phát triển như mong muốn. Thực tế, vẫn còn nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng và cũng không ít trẻ em bị thừa cân, béo phì. Ngoài các nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý, thì chế độ dinh dưỡng không hợp lý được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển năm nay, Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe và Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức. Ngoài các bài viết, chương trình phát thanh trên loa đài, trung tâm còn tổ chức treo băng rôn tại 91 xã, phường, xe hoa truyền thông lưu động... nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho người dân về dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực phù hợp, khuyến khích thực hiện lối sống năng động, lành mạnh để phòng chống các bệnh mạn tính không lây, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam.
Bác sĩ Trần Minh Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng, cho biết những thông điệp mà ngành y tế đã chọn để tập trung truyền thông trong tuần lễ này, là phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; tăng cường ăn các loại rau, củ, trái cây và các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc…); hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, muối, chất béo; nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi; khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh. Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời là mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là: “Hãy thực hiện ăn uống lành mạnh và duy trì lối sống năng động, tích cực vì sức khỏe của bạn, gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Thời gian qua, để nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em, ngành y tế cũng đã triển khai thực hiện dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Nhiều hoạt động đã và đang tiếp tục được triển khai, như: Truyền thông giáo dục về dinh dưỡng nhằm phổ biến kiến thức thực hành dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng dân cư, tổ chức các lớp nâng cao kiến thức dinh dưỡng kết hợp với thực hành dinh dưỡng cho đối tượng... Mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng, song những thách thức về dinh dưỡng vẫn còn đó, đặc biệt là tình trạng thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng.
“Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, giảm suy dinh dưỡng thấp còi, khống chế thừa cân béo phì, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ, cải thiện giống nòi người Việt Nam cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối kết hợp hiệu quả giữa các ban ngành, sự tham gia của cán bộ y tế, cộng tác viên y tế cơ sở. Điều quan trọng nữa là cần triển khai các can thiệp dinh dưỡng sớm và đặc hiệu ngay từ giai đoạn bào thai và 2 năm đầu đời của trẻ”. (Bác sĩ Võ Nguyên Diễm Thy, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh) |
HỒNG THUẬN