Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

Cập nhật: 19-09-2023 | 08:42:18

Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), mở ra nhiều triển vọng cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu, sự cạnh tranh giữa các ngành sản xuất trong nước và các mặt hàng nhập khẩu ngày càng phức tạp.

Ngành gỗ có giá trị xuất khẩu lớn, các DN trong ngành cần chủ động với công tác phòng vệ thương mại

Tăng cường kỹ năng xử lý, ứng phó

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khẳng định việc phối hợp với Sở Công thương Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước là hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN.

Tại hội nghị, Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai các nội dung: Ứng phó với các vụ, việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; quy định pháp luật và thực tiễn điều tra, tính toán biên độ chống bán phá giá và lưu ý cho DN sản xuất, xuất khẩu; phổ biến nội dung Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA); hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Form E, Form Rcep cho các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

“Qua hội nghị, các diễn giả cũng giải đáp thắc mắc của cơ quan quản lý nhà nước, DN trong việc nắm bắt, triển khai, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định. Đồng thời, hướng dẫn DN, cơ quan quản lý nhà nước trong việc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước”, ông Chu Thắng Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định việc cung cấp các nền tảng về phòng vệ thương mại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động xuất khẩu, nhằm hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của các DN, hiệp hội ngành hàng về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong các FTA thế hệ mới. Đồng thời, tạo điều kiện cập nhập kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế.

Bám sát diễn biến thị trường

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, cho biết tình hình khu vực và thế giới các tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng. Bên cạnh đó, việc ta tiếp tục thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các DN cần chủ động ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại, xây dựng chiến lược xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại. Theo dõi các thông tin cảnh báo, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thách thức đặt ra đang rất lớn, các DN sản xuất cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và kinh nghiệm, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng không gian xuất khẩu, không bỏ chung “trứng vào một giỏ” để hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường. Trong đó, phải cải thiện nhiều hơn năng lực pháp lý, nhất là nguồn lực tài chính, vì chi phí để theo đuổi các vụ điều tra thường rất lớn, tập trung vào việc thuê luật sư, công ty tư vấn nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống sổ sách kế toán của DN cũng phải rõ ràng, minh bạch theo chuẩn mực quốc tế để khi có yêu cầu về kiểm tra, DN hoàn toàn trong thế chủ động chứng minh về sự minh bạch của sản phẩm. 

Tính đến hết tháng 6-2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, có 128 vụ chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 33 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 23 vụ chống trợ cấp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giảm nhẹ so với 5 vụ việc trong cùng kỳ của năm 2022.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên