Năm 2011, có thể nói là năm mà doanh nghiệp (DN) đối mặt với lãi suất ngân hàng cao nhất từ trước đến nay. Chính lãi suất ngân hàng quá cao này đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng áp dụng nhiều giải pháp để “hạ nhiệt” lãi suất nhưng theo DN, lãi suất hiện nay vẫn còn cao.
Lãi suất cao ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp
Sau khi Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc chấn chỉnh công tác thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đưa lãi suất huy động trần về 14% đã phát huy hiệu quả. Từ giải pháp này, lãi suất đi vay của DN đã dần “hạ nhiệt” từ 22%/năm xuống còn 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều DN, mức lãi suất đi vay thế này cũng còn quá cao, ảnh hưởng trực tiếp và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của DN.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Đại Thiên Lộc cho rằng, lãi suất hiện nay là vấn đề nhức nhối của DN. Theo ông Nghĩa, nếu một DN kinh doanh có lãi để mà trả cổ tức cho các cổ đông, với lãi suất hiện nay 19%/năm, cộng với các chi phí khác, quả thật hoạt động của DN hiện nay vô cùng khó, DN không thể làm có lời được bởi lẽ một năm DN đạt lợi nhuận 20% không phải dễ. Hiện nay lãi suất có giảm nhưng thực tế nó chưa ngấm vào các DN nên DN vẫn gặp khó. Vì vậy, nếu tiếp tục sản xuất thì chúng tôi tiếp tục lỗ nên Đại Thiên Lộc tạm thời dừng hoạt động một số dây chuyền. Với chúng tôi, đầu năm có lãi là ảnh hưởng từ năm ngoái lan qua năm nay, các hợp đồng năm cũ còn lan sang năm mới. Bây giờ cuối năm 2011 này, các hợp đồng ký kết cho vấn đề sản xuất và xuất khẩu quả thật gặp khó khăn. Để đối phó với vấn đề này, chúng tôi cắt giảm nhiều chi phí, cố gắng giữ và duy trì hoạt động để tạo việc làm cho công nhân không bỏ việc, chờ thời cơ sắp tới tình hình kinh tế thị trường thay đổi.
Ngành thép đã vậy còn ngành gỗ cũng chẳng khá gì hơn. Trong ngành gỗ, xuất khẩu 9 tháng của tỉnh đã vượt 1 tỷ USD. Tuy đạt cao như vậy nhưng theo ý kiến nhiều DN thì họ không có lời. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương Võ Trường Thành cho rằng, lãi suất hiện nay 17 - 19% vẫn còn cao, với mặt bằng lãi suất như vậy các DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều DN không dám tiếp nhận đơn hàng nhiều do không dám vay vốn ngân hàng nhiều sẽ dẫn đến vượt tầm kiểm soát. Với lãi suất cao như vậy, DN cũng khó cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu. Ngay trên sân nhà, DN trong nước cũng khó cạnh tranh và thua thiệt với DN có vốn đầu tư nước ngoài vì họ có số vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài lãi suất rất ưu đãi, chỉ từ 2% nên có nhiều lợi thế hơn so với các DN trong nước về vốn. Mở rộng hơn, hiện nay lãi suất huy động ở một số nước như Singapore chỉ 0,5%; lãi suất huy động của ngân hàng ở Thái Lan là 2%... nên từ đó lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với DN Việt Nam. Chỉ ở khoản này, nếu DN không có chiến lược tốt thì khó cạnh tranh nổi.
Không những DN lên tiếng vì lãi suất cao gây khó cho sản xuất, kinh doanh, ngay cả đại diện nhiều ngân hàng cũng lên tiếng chia sẻ với DN về vấn đề này. Trong nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, Tổng Giám đốc Ngân hàng DN Maritime Bank cho rằng: “Động thái giảm lãi suất lần này là tín hiệu đáng mừng rõ nét nhất đối với DN sau 9 tháng thăng trầm vừa qua. Tuy nhiên, lãi suất vay 17 - 19% vẫn được coi là mức cao và đứng dưới quan điểm của ngân hàng, chúng tôi hy vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm khi nền kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định”. Chia sẻ những khó khăn của DN, Sở Công Thương Bình Dương cũng nhận định, thời gian tới tình hình sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi nhiều cho DN. Cụ thể việc siết chặt lãi suất trần là một biện pháp đồng bộ trong công tác kiềm chế lạm phát hiện nay. Nhờ vậy, lãi suất ngân hàng từ tháng 9 đã có dấu hiệu giảm, dự báo đến cuối năm lãi suất ngân hàng sẽ giảm dần theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
T. MINH