Đọc báo xuân - thú vui tao nhã ngày tết

Cập nhật: 12-02-2022 | 10:06:52

Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn du xuân khắp nơi trong mùa tết. Nhưng với nhiều người cao tuổi, đọc báo xuân là một thú vui không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của dân tộc bởi trong đó có những bài viết hay về văn hóa vui tết của các vùng miền, qua đó gợi nhớ những kỷ niệm tết xưa thật đẹp của quê hương.


Người dân đến thưởng lãm và đọc sách, báo tại gian hàng Hội báo xuân Nhâm Dần 2022

Báo xuân khoe sắc

Trong không gian đường hoa xuân Nhâm Dần 2022, Hội báo xuân được trang trí đẹp mắt với 1.000 tờ báo Trung ương, báo xuân Bình Dương và Văn nghệ Bình Dương, báo xuân của 62 Thư viện tỉnh, thành khác trong cả nước “đua nhau khoe sắc”. Tại đây còn trưng bày 2 mô hình triển lãm sách, báo; tranh thiếu nhi triển lãm; gian hàng sách mới, không gian trà - sách. Ngoài ra, Hội báo xuân còn tổ chức chạm khắc gỗ nghệ thuật, nặn tò he, thực hiện các thông tin chuyên đề, bản tin điện tử về xuân, phim tài liệu, phim thiếu nhi và các chương trình Xuân Nhâm Dần 2022.

Cùng các đồng nghiệp đến du xuân ở đường hoa xuân, chị Phan Ngọc Hoa, ngụ tại huyện Bàu Bàng trong trang phục áo dài xinh đẹp đã đến thưởng lãm sách và chụp hình kỷ niệm tại Hội báo xuân. Chị Hoa cho biết gian hàng báo xuân của Thư viện tỉnh năm nay trưng bày rất đẹp. Báo xuân của các tỉnh, thành bạn và Bình Dương có nhiều nội dung ý nghĩa, đẹp mắt làm cho không gian thêm phong phú, sinh động với những màu sắc tết cổ truyền của dân tộc. Còn với ông Trần Văn Trung, tiểu thương ngụ tại phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một thì những sản phẩm báo chí đã phản ánh toàn diện, sinh động các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và Bình Dương; qua đó góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa vui xuân, đón tết trên địa bàn, giúp người dân có thêm địa điểm du xuân, thưởng ngoạn trà, sách.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, Hội báo xuân được tổ chức trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Do đó, thư viện trang bị dung dịch khử khuẩn, yêu cầu khách du xuân giữ khoảng cách an toàn để các hoạt động của Hội báo xuân diễn ra thuận lợi. Các hoạt động đã thu hút đông đảo người dân đến gian hàng Hội báo xuân để chụp hình, đọc sách, báo. Kết thúc Hội báo xuân, Thư viện tỉnh đã phục vụ hơn 39.000 lượt bạn đọc đến tham quan, đọc sách báo; luân chuyển hơn 79.000 lượt sách, báo, tạp chí.

Hoài niệm tết xưa

Có dịp cùng đọc báo xuân với Nghệ nhân Ưu tú Trương Quan Tịnh (Năm Tịnh), chúng tôi càng ngưỡng mộ sở thích rất tao nhã của một người cao niên. Mỗi dịp cuối năm, ông Tịnh đều tìm mua các ấn phẩm xuân của các báo và tạp chí. Trên bàn đọc báo của ông có báo Bình Dương, Tạp chí Văn nghệ Bình Dương, báo Công An, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Phụ Nữ, Báo Lao Động… và báo xuân của các tỉnh, thành bạn. Với ông Năm Tịnh, đọc báo xuân giúp ông tăng thêm hiểu biết về phong tục đón tết ở các nơi. Đặc biệt, ông rất thích những bài viết về phong vị tết xưa. Bởi tết xưa luôn có những kỷ niệm đẹp mà tết nay khó sánh bằng. Và câu chuyện về làng sơn mài ăn tết, văn hóa làng xã, thôn xóm cùng nhau ăn tết, làm mứt, gói bánh… được ông kể với ánh mắt sáng trong tự hào.

KẾT THÚC HỘI BÁO XUÂN 2022, THƯ VIỆN TỈNH ĐÃ PHỤC VỤ HƠN 39.000 LƯỢT BẠN ĐỌC ĐẾN THAM QUAN, ĐỌC SÁCH BÁO; LUÂN CHUYỂN HƠN 79.000 LƯỢT SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ.

Kể cho chúng tôi nghe về những độc giả cao tuổi rất yêu quý sách báo, chị Nguyễn Thị Minh Quý, Thủ thư Thư viện tỉnh, cho biết năm nay thực sự rất vui vì nhiều độc giả đã đến gian hàng Hội báo xuân thưởng lãm và dành nhiều lời khen, chúc tết đội ngũ trực tết tại đây. Bên cạnh nhiều bạn trẻ thì có nhiều ông bà cao tuổi đã góp ý cho các ấn phẩm xuân của các báo, tạp chí. Đến Thư viện tỉnh thường xuyên để đọc báo có ông Bùi Xuân Phương (sinh năm 1942, cán bộ hưu trí ở phường An Thạnh, TP.Thuận An), ông Trương Công Lạc (ngụ ở xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên)... Tuy cao tuổi nhưng các cụ rất đam mê sách báo và mong muốn có thêm nhiều bài viết về văn hóa tết xưa để giới trẻ như con cháu nhà mình có thể hiểu được những cái tết từ trong gian khó nhưng rất ấm áp và ý nghĩa.

Theo các cụ, ngày xưa, chỉ có vào dịp tết mới được ăn bánh tét, bánh chưng, thịt kho, khổ qua hầm, dưa hấu, mứt tết… Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế đất nước, những món ăn tết đều có thể mua sắm hàng ngày. Vì mỗi ngày đều như có tết nên sự mong chờ tết đến cũng không còn nhiều như trước kia. Nhiều người táo bạo đã đề xuất bỏ tết đi vì sự xa hoa, lãng phí, tốn kém quá nhiều. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, dù gì đi nữa thì tết vẫn là dịp để gia đình sum vầy, chia sẻ những gian khó đã qua, nhắc nhau giữ gìn truyền thống của tổ tiên, dân tộc, trao gửi yêu thương qua những lời chúc tết cho năm mới thêm nhiều phấn khởi và thành công hơn. Đó là nét văn hóa rất đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ta.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên