Giới trẻ ngày nay ít đọc nên cũng ít đọc được nhiều sách hay là sự khẳng định của nhiều người ở thế hệ đi trước. Nhiều loại sách báo giải trí dễ khiến lớp trẻ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm. Chính vì thế, khi tiếp cận với tác phẩm kinh điển, họ thường thấy khó hiểu và ngại đọc. Những tựa sách nổi tiếng như: Chiến tranh và Hòa bình, Những người khốn khổ… hầu như ai cũng biết, song không phải ai cũng đã từng đọc.
Có rất nhiều bạn trẻ rất thích mua sách, nhất là những cuốn sách trong bộ sách Hạt giống tâm hồn do Công ty First News mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam, hay là những cuốn sách rất ăn khách như: Harry Potter, Rừng Nauy, Đắc Nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống… Nhưng cũng nhiều bạn khẳng định mua theo phong trào thôi chứ đọc thì chưa có thời gian.
Học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương tìm sách để đọc trong thư viện của trường
Thực tế đó cho thấy, văn hóa đọc của giới trẻ đang có chiều hướng đi xuống, họ chỉ đọc những gì dễ dãi, đọc theo phong trào chứ không theo chiều sâu. Nhiều bạn sinh viên có chung một suy nghĩ: Hiện nay trên mạng có quá nhiều cái để xem nên chúng tôi không còn đam mê đọc sách như trước nữa.
Nguyên nhân lười đọc tác phẩm văn học của giới trẻ đã được bàn nhiều. Đó là do văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh (qua internet, truyền hình...), đó là do có quá nhiều loại hình giải trí hiện nay. Những điều đó là tất yếu. Thật ra, khi thời đại thông tin ngày một phát triển thì chúng ta càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng đằng sau đó, nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn đang ngày càng nhiều, ngày càng hấp dẫn.
Trong một buổi hội thảo về văn hóa đọc trong giới trẻ tại Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ VIII vừa qua, có nhiều ý kiến trao đổi đã phản đối mạnh mẽ những quan điểm sai lầm hiện nay khi quá đề cao văn hóa nghe nhìn mà coi nhẹ việc đọc sách. Điều này đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, gây ra sự thiếu hụt tri thức trong sinh viên và tác động không tốt tới cả nền giáo dục.
Để khơi lại sự đam mê đọc sách trong giới trẻ, các nhà quản lý và nhà xuất bản đã tổ chức nhiều chương trình như: Ngày hội đọc sách, Ngày sách Việt Nam, Ngày giảm giá sách đặc biệt… Vài năm gần đây, các quán cà phê sách nở rộ cũng thu hút được sự quan tâm của bạn trẻ. Ngày nay, nhiều phụ huynh vì quá bận rộn công việc nên đã xem nhẹ việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con em mình. Đây là một trong những yếu tố tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Nếu trẻ xa rời sách dẫn đến nhiều hệ quả xấu như trẻ thiếu ngôn từ để diễn đạt, chán ghét học văn, dửng dưng và vô cảm trong cuộc sống… Qua sách, các phụ huynh có thể dạy cho trẻ cách ứng xử, khơi dậy cảm xúc, kết nối tình yêu thương.
Theo các nhà văn, nhà nghiên cứu thì để nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách trong giới trẻ thì cần phải có những giải pháp đồng bộ. Ngoài việc tạo ra nhiều sách hay, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ; đổi mới chương trình, nội dung dạy và học văn học trong nhà trường để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh; tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học và bình phẩm văn học mà đối tượng tham gia là giới trẻ; phát triển hệ thống thư viện trường học; tạo niềm đam mê đọc sách cho thiếu nhi… thì cha mẹ phải là tấm gương, không những đọc sách để con mình noi theo mà còn phải biết mua sách có nội dung giáo dục, phù hợp với lứa tuổi của các em.
NGỌC THANH