Đổi mới đào tạo trung cấp chuyên nghiệp

Cập nhật: 07-10-2013 | 00:00:00

 Đầu tư về chất

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trường đại học (ĐH), 1 trường cao đẳng (CĐ) và 8 trường TCCN. Hiện có 3 trường ĐH và 1 trường CĐ có đào tạo TCCN. Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, các trường đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo. Cùng với tích cực đầu tư sửa chữa, xây dựng mới, nhiều trường trang bị thêm, mua sắm mới các trang thiết bị, phương tiện hiện đại cho giảng dạy và học tập. Cụ thể như trường Trung cấp Nông lâm nghiệp đã đầu tư trang bị cơ sở thực nghiệm phòng ký sắc lỏng theo công nghệ mới, phòng nuôi cấy mô… tạo điều kiện tốt hơn cho giáo viên và học sinh (HS) thực tập thực hành ngay tại trường. Trường Trung cấp tài chính kế toán và trường Trung cấp Công nghiệp đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất khá khang trang. Trường CĐ Y tế, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài.  

 Sinh viên ngành y (hệ TCCN) trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương trong giờ thực hành, thí nghiệm

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, hầu hết các trường giữ vững mô hình đào tạo chính quy và mở rộng các hình thức đào tạo không chính quy, đào tạo ngắn hạn, liên thông. Các trường TCCN đã thực hiện tốt những chỉ đạo của sở về rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình, bảo đảm thời lượng thực hành, thực tập nghề nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng nghề cho HS. Các trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương pháp tích cực, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thi, kiểm tra. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đa số các trường kết hợp điều chỉnh chương trình từng ngành học với xây dựng lại giáo trình, bảo đảm tỷ lệ thực hành chiếm 50% trong chương trình đào tạo, quan tâm rèn nghề môn học để nâng cao kỹ năng nghề cho HS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy.

Nhưng tuyển sinh chưa hiệu quả

Thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, từ năm 2009 đến nay, Sở GD-ĐT tích cực thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho HS lớp 9 qua nhiều hình thức để các em chọn hướng đi phù hợp với năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình. Đồng thời các trường TCCN có nhiều cố gắng đổi mới, nhưng những năm qua công tác tuyển sinh ở các trường chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong các mùa tuyển sinh các trường TCCN vẫn trong tình trạng “khát” HS. Tình trạng HS nghỉ, bỏ học còn cao, nhất là HS thuộc diện phân luồng. Theo thống kê của ngành, số HS THCS vào học TCCN có tăng dần theo hàng năm, nhưng tỷ lệ chỉ đạt từ 30 - 50% chỉ tiêu. Chỉ tính riêng năm học 2012- 2013 nhiều trường tuyển sinh khó khăn, HS nhập học không đạt chỉ tiêu, một số trường tuyển sinh thấp như trường Trung cấp Kinh tế 21,55%, trường Trung cấp Tài chính kế toán 58,4%... Ông Phạm Hữu Phước, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật Phú Giáo cho biết: “Các trường TCCN khó tuyển sinh do phụ huynh và HS còn xem nặng về bằng cấp. Con em không vào được lớp 10 công lập, phụ huynh cho con vào học trường tư thục, dù sức học của các em khó có thể theo kịp chương trình. Mặt khác, với tấm bằng TCCN, HS khó tìm được việc làm, nên các em còn dè dặt khi học TCCN, học nghề”.

Năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tư vấn hướng nghiệp phân luồng cho giáo viên phụ trách hướng nghiệp và dạy nghề trong các trường phổ thông, các trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp. Vì có hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông tốt mới giúp cho công tác phân luồng HS THCS vào học TCCN và Trung cấp nghề đạt hiệu quả. Sở tham mưu UBND tỉnh, nếu HS tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trong suốt thời gian học. Cũng trong năm học này, sở chỉ đạo các trường TCCN phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức đào tạo TCCN.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng này. Trước tiên là do nhận thức của phụ huynh về việc thực hiện phân luồng chưa đúng mức. Hiện nay do cuộc sống người dân đã được nâng lên nên phụ huynh vẫn còn nặng tư tưởng cho con học xong THPT mới học nghề. Nhiều HS và phụ huynh không lượng được sức học của HS và kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm. Ngoài ra cũng nhìn nhận rằng, HS tốt nghiệp THCS chỉ mới 14 - 15 tuổi, các em chưa có ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện tại các trường TCCN. Với suy nghĩ còn non nớt, các em chưa thực sự biết mình thích nghề gì. Các em cứ nghĩ vào TCCN chỉ học nghề, không học các môn văn hóa, nên khi vào học các em thiếu động cơ học tập, dẫn đến kết quả học tập không hiệu quả.

Ông Đặng Thành Sang cho hay, năm học 2013-2014 ngành tăng cường tuyên truyền về ngành nghề và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương nhằm khắc phục khó khăn về tuyển sinh. Các trường TCCN có kế hoạch phối hợp với các trường THCS, THPT đưa HS cuối cấp đến tham quan ở các trường TCCN, nhằm tư vấn hướng nghiệp cho HS từ sớm. Ông Nguyễn Xuân Dũng, hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch cho biết, về phía nhà trường, các trường đề ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương nề nếp dạy và học. Phát huy mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động, liên kết với doanh nghiệp rà soát chương trình đào tạo theo hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 N.THANH - H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên
X