Đờn ca tài tử: Sản phẩm mới cho du lịch

Cập nhật: 03-04-2017 | 14:49:01

Bình Dương là tỉnh có nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) phát triển mạnh và hoạt động khá sôi nổi. Phát huy lợi thế đó, nhiều điểm du lịch trong tỉnh đã đưa loại hình nghệ thuật này kết hợp với du lịch. Qua tiếng đờn, lời ca góp phần giới thiệu đến du khách hình ảnh đất và con người Bình Dương.

ĐCTT, một sản phẩm du lịch độc đáo. Trong ảnh: Các nghệ nhân đang biểu diễn tại Nhà cổ Đỗ Cao Thứa Ảnh: Q.CHIẾN

Ru lòng

Nhắc đến Nam bộ, du khách không chỉ liên tưởng vùng đất với vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu trong lành mà còn biết đến với nét độc đáo in dấu trong từng tiếng đờn, lời ca của dòng nhạc tài tử. Cũng chính vì vậy mà nhiều tỉnh, thành như: Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ… đã khai thác ĐCTT trong hoạt động du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Các điểm du lịch tại Bình Dương như: Vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Khu du lịch Đại Nam, Làng tre Phú An… những năm gần đây cũng đã đưa ĐCTT đến phục vụ du khách. Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hoa, ở Hà Nội đi du lịch đến Bình Dương tâm sự, năm 2015 khi được gia đình đưa đi tham quan tại Làng tre Phú An, bà ấn tượng nhất là được nghe các cô chú, anh chị ca. Khi các chú dạo đờn, rồi các cô cất cao tiếng hát làm cả gia đình bà say đắm. Không chỉ gia đình bà mà ai đi trong đoàn cũng dừng chân thưởng thức “đặc sản” ĐCTT của mảnh đất phương Nam. Sau 2 năm trở lại Bình Dương, gia đình bà đã lên kế hoạch đi tham quan lại một số điểm và quyết tâm tập thử một đoạn tài tử để khoe với mọi người. “Công nhận ĐCTT hay quá. Với những ca từ giản dị nhưng qua cách biểu diễn, giọng ca ngọt ngào như ru lòng người tìm về những điều nhẹ nhàng nhất của cuộc sống”, bà Hoa nói.

Cũng chính vì cái hay, cái đẹp của dòng nhạc dân tộc này mà thạc sĩ Phạm Văn Phương, giảng viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn - một người chuyên nghiên cứu về du lịch cho rằng, đây là một sản phẩm du lịch “sống” thích ứng và linh hoạt với từng hoàn cảnh cụ thể. Đến với các điểm du lịch, du khách được đắm chìm trong không gian xanh, tươi mát và thưởng thức những bài bản ngắn dài hay một câu vọng cổ ngọt ngào, đặc sắc của nghệ thuật ĐCTT mới thấy chuyến đi của mình trọn vẹn, ý nghĩa. Khách du lịch thả hồn mình theo tiếng nhạc, lời ca và thưởng thức một bầu không khí tài tử sâu lắng nhưng thân thiện, hào sảng… và đó chính là dấu ấn văn hóa mạnh mẽ làm cho du khách nhớ về một địa danh du lịch mà mình đã đến và mong muốn quay trở lại, từ đó góp phần phát triển du lịch địa phương.

Cái cần để phát huy

Đưa ĐCTT vào các khu du lịch tại Bình Dương có nhưng chưa nhiều. Do đó đã đặt ra nhiều câu hỏi từ phía những nhà quản lý điểm du lịch, nghệ nhân ĐCTT là làm thế nào để phát triển sản phẩm du lịch “sống” này? Theo thạc sĩ Phạm Văn Phương, để làm được điều đó đòi hỏi ngành du lịch cần chủ trì để những công ty lữ hành gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng chương trình tour, tuyến đưa du khách đến các địa điểm du lịch Bình Dương. Mặt khác, những điểm du lịch cũng cần có một không gian trình diễn yên tĩnh cho du khách thưởng thức tài tử đúng nghĩa, không ồn ào náo nhiệt, người qua kẻ lại lộn xộn. Họ có thể ngồi ăn nhẹ bánh ngọt và uống ly nước thưởng thức từng câu, từng chữ các bài bản tài tử. Tại các điểm du lịch, những nghệ nhân biểu diễn cũng phải cải tiến chương trình cho phù hợp với du khách về nội dung, bài bản, không gian, hình thức biểu diễn… để không gây nhàm chán.

Đối với ngành du lịch Bình Dương, nhất là Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn ĐCTT, trung tâm đang nghiên cứu tạo điều kiện để các công ty du lịch liên kết với địa điểm du lịch. Tại các điểm du lịch, trung tâm xây dựng kế hoạch cụ thể để họ tham khảo khi đưa ĐCTT vào phục vụ du khách. Riêng hướng về Festival ĐCTT quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017, các điểm du lịch trong tỉnh sẽ liên tục có những tài tử đờn, tài tử ca phục vụ khách.

Nếu làm tốt việc liên kết giữa du lịch và ĐCTT sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Những giá trị của ĐCTT mang văn hóa người Việt Nam làm tâm điểm cho du lịch phát triển. Việc kết hợp ĐCTT với du lịch vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa mang tính giới thiệu, quảng bá nghệ thuật, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, là động thái cần thiết và quan trọng trong việc góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương.

 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1806
Quay lên trên