Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Bình Dương tham quan nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một
Đi từ dự án
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương có nhiệm vụ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trong phạm vi trung tâm của TP.Thủ Dầu Một bao gồm 900 ha ở các phường Phú Cường, Phú Lợi, Chánh Nghĩa và một phần diện tích các phường Hiệp Thành, Phú Thọ, Phú Hòa, với 13.027 hộp đấu nối cho các hộ xả thải, hộ đấu nối gia đình. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 9,817 tỷ Yên Nhật, quy ra trên 1.984 tỷ VND; trong đó vốn JICA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ hơn 7.770 triệu Yên, tương đương hơn 1.584 tỷ VND, chiếm 79,8% tổng vốn, vốn đối ứng của Việt Nam trị giá trên 2,047 tỷ Yên Nhật, tương đương hơn 400 tỷ VND.
Thuận lợi là thế, khó khăn vẫn phải khắc phục, đó là người dân chưa am hiểu hết nên khi mùa mưa đến, tình trạng nước mưa hay làm lẫn lộn với nước thải sinh hoạt, gây khó cho lực lượng bơm nâng; đồng thời, chi phí đấu nối lớn, gây khó khăn về đầu tư kinh phí đấu nối cho hộ gia đình và ý thức của người dân về môi trường còn hạn chế... “Một mặt chúng tôi đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương không thu phí xử lý nước thải trong 2 năm 2013 và 2014; đồng thời kiến nghị và được UBND tỉnh chấp thuận “Quỹ quay vòng xây dựng nhà vệ sinh” sang “Quỹ quay vòng đấu nối nước thải sinh hoạt” để hỗ trợ kinh phí đấu nối cho người dân; miễn phí nhân công và vật liệu phụ cho các hộ gia đình đăng ký đấu nối trong năm đầu”, ông Gòn cho biết.
Thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2014, quy mô dự án gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt trên khu vực có diện tích 11 ha tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Công suất quy hoạch 70.000m3/ngày đêm, trong đó công suất giai đoạn 1 là 17.650m3/ ngày đêm. Khối lượng thiết kế gồm 1 đơn nguyên xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 17.650m3/ngày đêm cùng các công trình đồng bộ, tuyến ống thu gom chuyển tải có Ø100 ÷ 1.200mm với chiều dài 280.351m, 12 trạm bơm nâng và 13.027 hộp đấu nối. Dự án sử dụng hệ thống thu gom nước thải riêng, tách biệt hoàn toàn với nước mưa, bảo đảm nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Ông Lê Văn Gòn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE), cho biết điểm nổi bật của dự án chính là việc bố trí tại mỗi hộ gia đình một hộp đấu nối và thu trực tiếp nước thải từ nguồn phát sinh mà không cần thông qua hầm tự hoại hay hố tự thấm, nên hộ thoát nước sẽ tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng, bảo trì và hút hầm tự hoại.
Tiếp tục gặt hái thành công
Trao đổi với chúng tôi, ông Gòn phấn khởi cho biết kết quả thực hiện dự án thành công ngoài mong đợi. Trong khi Hiệp định vay ký với Nhật Bản có hiệu lực từ tháng 7-2007 đến 7-2016, thì kết quả thực hiện dự án vượt trước 3 năm. Đúng ngày 31-5-2013 vừa qua, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 17.650m3/ngày đêm, cùng với mạng lưới thu gom nước thải với tổng chiều dài khoảng 280km, bao gồm tuyến ống chính, ống nhánh, ống thu gom, ống áp lực, các trạm bơn chuyển tiếp/trạm bơm nâng đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Hiện tại, công suất thu gom được tại nhà máy là 5.000m3/ngày đêm, đạt 30% kế hoạch đề ra. Ông Gòn còn phân tích rất cụ thể chất lượng nguồn nước sau xử lý đạt theo quy chuẩn QCVN 14/2008/ BTNMT, cột A được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận. Điều quan trọng là do chú trọng đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, nên nhà máy ít phát tán mùi hôi, góp phần giữ vệ sinh môi trường xung quanh khu vực. Dự án thành công, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên sau một năm đưa vào sử dụng, đã có khoảng 1.200 hộ gia đình ở các phường Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa tham gia đấu nối, đạt khoảng 30%. Ông Gòn cho rằng, kết quả đó trên thực tế vượt tiến độ đã cam kết với JICA.
Bước sang giai đoạn 2 của Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương với nhiều thuận lợi từ sự đồng thuận của người dân. Ông Gòn cho biết giai đoạn 2 của dự án sẽ tập trung thực hiện ở 2 địa phương, trong đó tiếp tục xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và hệ thống thu gom ở khu vực TX.Thuận An; mở rộng mạng lưới thu gom ở các phường nội ô ở TP.Thủ Dầu Một mà giai đoạn 1 chưa đầu tư. Dự kiến đầu tháng 9 sẽ khởi công nhà máy và tháng 12 sẽ khởi công tuyến ống ở TX.Thuận An, trong đó nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt sẽ đạt công suất 51.000m3/ngày đêm (xây dựng pha 1: 17.000m3/ngày đêm), ước tính 350km đường ống thu gom, đường kính 100 đến 1.200mm. Việc mở rộng mạng lưới thu gom ở TP.Thủ Dầu Một sẽ khởi công vào tháng 10, trong đó xây dựng 230km đường ống thu gom đường kính 100 đến 800mm. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2 của dự án là 5.000 tỷ VND, trong đó vốn đối ứng của Việt Nam chiếm 15%.
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương sẽ tiếp tục thành công, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo định hướng phát triển bền vững ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
M.H - H.A