Du lịch Bình Dương hướng đến sự phát triển bền vững

Cập nhật: 27-12-2018 | 08:59:14

Hôm nay (27-12), tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh (Thành phố mới Bình Dương), UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch Bình Dương - Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững”. Có 6 tham luận của các đơn vị được trình bày tại hội thảo cũng như các ý kiến thảo luận tại hội thảo này. Tất cả nhằm tìm ra hướng đi mới, thích hợp và xứng tầm với sự phát triển của tỉnh nhà...   

Tìm hướng đi mới cho du lịch Bình Dương

Tìm ra hướng đi mới giúp du lịch Bình Dương phát triển luôn là vấn đề được lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm trong thời gian qua. Tiềm năng du lịch của chúng ta rất lớn với lợi thế của một tỉnh có bề dày các làng nghề truyền thống, các địa chỉ đỏ, khu du lịch văn hóa - lịch sử, kiến trúc tôn giáo, nhà cổ... Một khi chúng ta quản lý, khai thác tốt những địa điểm du lịch này, hình ảnh của Bình Dương sẽ được quảng bá rộng rãi hơn nữa.

Du khách thăm nhà cổ Trần Văn Hổ. Ảnh: THIÊN LÝ

Theo ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa tích cực để giúp du lịch tỉnh nhà nâng cao sức cạnh tranh và phát triển. Đây cũng là hoạt động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước nâng cao sức cạnh tranh, đưa ngành du lịch phát triển trong thời gian tới. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh tham dự. Hội thảo tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về thực trạng, tiềm năng hiện có của du lịch Bình Dương. Đồng thời trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế cũng như những hạn chế thực tại để đưa ra các đề xuất, định hướng, giải pháp khả thi nhất nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng thế mạnh hiện có của du lịch Bình Dương trong thời gian tới.

Những ý kiến tâm huyết từ các tham luận

Tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch cũng nói về giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông, Tây Nam bộ. TS. Huỳnh Thế Du (Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbright) sẽ đánh giá sơ bộ về cụm ngành du lịch tỉnh Bình Dương. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (trường Đại học KHXH và NV TP.Hồ Chí Minh) thì có đóng góp trong việc bàn về chiến lược phát triển du lịch Bình Dương nhìn từ đặc điểm văn hóa Việt Nam và kinh nghiệm thế giới... Các tham luận khác đề cập đến việc tổ chức, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch (nghiên cứu làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp và làng gốm Tân Phước Khánh); nhận định và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Dương...

Một điều đáng mừng là các đại biểu của Bình Dương đã đưa ra những tham luận gắn bó trực tiếp với làng nghề truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng của người dân tỉnh nhà. TS. Lương Thy Cân (trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói về việc tổ chức, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch (nghiên cứu làng sơn mài Tương Bình Hiệp và làng gốm Tân Phước Khánh). Theo đó, làng nghề truyền thống là một trong những sản phẩm đặc sắc của du lịch hiện đại, không những giúp địa phương tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo môi trường du lịch hấp dẫn, cải thiện cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái... Bằng phương pháp phân tích định tính dựa trên các số liệu đã được công bố, kết hợp với kết quả thực tế điền dã tại các tuyến, điểm du lịch Bình Dương, bài viết khái quát thực trạng làng nghề truyền thống ở Bình Dương, qua đó phân tích và gợi ý một số giải pháp nhằm tổ chức, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Với TS. Cao Việt Hiếu (trường Đại học Bình Dương) thì đề tài: Một số nhận định và đề xuất về định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Dương cũng rất thiết thực. Theo TS.Cao Việt Hiếu, Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch cả nước. Trong những năm qua, mặc dù đóng góp cho nền kinh tế còn thấp, tuy nhiên du lịch của Bình Dương ngày càng được khẳng định có rất nhiều tiềm năng phát triển để có thể trở thành một bộ phận quan trọng và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong định hướng phát triển đến năm 2020, tỉnh đã xác định “Xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế”. Đến năm 2020 và giai đoạn sau đó, ngành du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền kinh tế Bình Dương. Bài viết còn hệ thống hóa những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng việc phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến sản phẩm du lịch tiềm năng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm du lịch tại Bình Dương trong thời gian tới. 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=903
Quay lên trên