Đừng để F0 “tự bơi”!

Cập nhật: 18-11-2021 | 08:06:35

Gần đây, tại một số địa phương xảy ra tình trạng người bị nhiễm Covid-19 sau khi có kết quả test nhanh đã liên hệ y tế phường để được tư vấn, hỗ trợ thuốc điều trị nhưng không được trợ giúp kịp thời nên đành tự lo. Có người sau khi tự điều trị được vài ngày đã ra đường đi làm, không bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa người dân và chính quyền địa phương để kịp thời hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh.

 F0 điều trị tại nhà cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Trong ảnh: Cán bộ y tế cấp phát thuốc cho người bệnh Covid-19 tại TX.Tân Uyên. Ảnh: Đ.TRỌNG

 F0 chủ động điều trị

Anh L.A.H., đang ở trọ tại hẻm 85, khu phố 2, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, cho biết mình bị nhiễm bệnh đến nay hơn 1 tuần. Trước đó, khi thấy có dấu hiệu về sức khỏe, anh đi mua que test nhanh về tự test và phát hiện mình dương tính nên gọi điện báo chủ trọ. Sau đó anh vừa tìm cách liên hệ với y tế phường vừa tự tìm cách điều trị. Anh gọi điện cho nhiều người bạn từng bị F0 xin đơn thuốc.

“Do ở một mình nên phải tự lo. Bản thân bị F0, biết đi lại có thể lây bệnh cho người khác, nên tôi cẩn thận đeo 2 khẩu trang phòng dịch mỗi khi ra ngoài mua thuốc, thực phẩm. Bây giờ khu trọ tôi nhiều người bị nhiễm Covid-19. Do đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nên họ không bị trở nặng. Tuy nhiên, người bị nhiễm Covid-19 thì tâm lý ai cũng lo, hoang mang. Lúc này, họ cần tư vấn của y tế để yên tâm hơn”, anh H. chia sẻ.

Trường hợp của chị B.T.T.H., ở trọ tại hẻm 373, Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cũng vậy. Sau hơn 10 ngày nhiễm bệnh, nay sức khỏe của chị đã ổn định. Trong những ngày đầu khi phát hiện bản thân bị dương tính, chị gọi điện cho y tế phường đồng thời gọi cho bạn bè, người thân xin đơn thuốc điều trị. “Đến ngày thứ 4, khi thấy trong người có dấu hiệu ho, khó thở, tôi rất lo. Tôi nhờ đồng nghiệp liên lạc với cán bộ phường, sau đó lực lượng y tế xuống test cho mình và phát cho gói thuốc điều trị. Nhiều người ở khu nhà trọ này dù đã được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Vì vậy, tôi nghĩ cán bộ y tế phường cần nhanh chóng xử lý thông tin của các ca bệnh để tránh lây nhiễm chéo tại các khu nhà trọ...”, chị H. nói.

Không riêng gì địa bàn TP.Thủ Dầu Một, hiện nay nhiều địa phương khác cũng đang có số ca F0 tăng mỗi ngày. Sáng 17-11, anh Đ.T.Q. ở đường X3, khu phố 3, phường An Phú, TP.Thuận An gọi điện cho phóng viên thông báo là khu trọ của anh hiện đã có nhiều gia đình bị nhiễm bệnh. Trước khi chờ cán bộ y tế phường xuống thăm khám, những người trong khu trọ của anh đã chủ động chăm sóc bản thân để an toàn trước dịch bệnh.

Cần duy trì sự phối hợp tốt giữa người dân và chính quyền

Những ngày gần đây, số liệu thống kê người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, xấp xỉ 1.000 ca F0/ngày. Qua đó, lãnh đạo tỉnh cũng như Sở Y tế liên tục có những chỉ đạo nhằm phòng, chống dịch một cách tốt nhất; đặc biệt đội ngũ y tế, xã, phường và các trạm y tế lưu động phải hoạt động tốt nhằm giúp đỡ các bệnh nhân khi điều trị tại nhà, các khu trọ. Lãnh đạo các xã, phường phải phối hợp tốt với các khu phố, Tổ Covid cộng đồng, chủ nhà trọ để nắm được số ca nhiễm, có cách quản lý chu đáo, không để dịch bệnh lây lan... Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế từ các địa phương, cho thấy có nơi lực lượng y tế xã, phường chưa làm tốt việc này. Trao đổi với P.V, lãnh đạo một số phường cho biết lực lượng y tế chuyên trách của mỗi phường hiện dao động từ 5 - 6 người, trong khi số ca bệnh đang tăng, nên khó đáp ứng tốt việc chăm sóc F0 tại nhà.

Nếu cán bộ phường không phối hợp tốt với người dân, để họ “tự bơi” thì dịch bệnh không những không được khống chế mà sẽ có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày gần đây, tại các cửa hàng, cửa tiệm thuốc tây trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một luôn đông người mua các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 theo kiểu tự lo cho bản thân. Càng nguy hiểm hơn khi trong số đó có không ít người đang bị bệnh, vẫn vô tư đi lại.

Nhiều người cho rằng, bây giờ hầu hết người dân đã được tiêm 2 mũi vắc xin, nên có nhiễm dịch bệnh cũng như kiểu bị cảm cúm nặng, không nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, họ có tâm lý chủ quan, thậm chí có trường hợp sau khi phát hiện bản thân bị F0 thì giấu bệnh, không báo với chính quyền địa phương. Họ tự mua thuốc điều trị tầm 3 - 4 ngày, thấy cơ thể khỏe lại liền ra đường, đi làm, như vậy rất dễ lây bệnh cho người khác. Trong khi, ngành y tế đã cảnh báo, dù đã được tiêm đủ vắc xin, nhưng với những người có kháng thể yếu, bị bệnh nền, khi bị nhiễm bệnh có thể trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào...

Để khống chế được dịch bệnh trong những ngày này, rất cần đến ý thức của người dân. Đó là luôn phải tuân thủ thông điệp “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác” trong phòng, chống dịch. Khi phát hiện bản thân bị F0, người bệnh phải chủ động thông báo đến chính quyền địa phương, chủ nhà trọ hoặc khu phố; phải chủ động cách ly, điều trị. Và chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ y tế xã, phường phải linh hoạt hơn, tận tâm hơn với người dân, không để họ “tự bơi”...

 Để khống chế được dịch bệnh trong những ngày này, rất cần đến ý thức của người dân. Đó là luôn phải tuân thủ thông điệp “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác” trong phòng, chống dịch. Khi phát hiện bản thân bị F0, người bệnh phải chủ động thông báo đến chính quyền địa phương, chủ nhà trọ hoặc khu phố; phải chủ động cách ly, điều trị. Và chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ y tế xã, phường phải linh hoạt hơn, tận tâm hơn với người dân, không để họ “tự bơi”...

 QUẢNG ĐIỀN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên