Gia tăng bệnh truyền nhiễm
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tháng 1 và 2-2014, cả 3 loại bệnh sởi, thủy đậu, quai bị đều tăng. Cụ thể, tháng 1: sởi: 3 (ca), thủy đậu: 8, quai bị: 8. Sang tháng 2, sởi: 21, thủy đậu: 18, quai bị: 9. Riêng các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sốt rét thì giảm. Ở các cơ sở y tế trong tỉnh cũng có bệnh nhân về những bệnh sởi, thủy đậu, quai bị. Với 2 bệnh SXH, TCM bác sĩ khuyến cáo bệnh giảm trong tháng 2 là do chưa phải mùa cao điểm của 2 loại bệnh này. Cao điểm là mùa mưa vào tháng 7, 8 trong năm nên không thể lơ là, chủ quan mà vẫn phải quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiêm phòng sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Mẹ của bé Nguyễn Văn Huy gần 20 tháng tuổi cho con đi tiêm ngừa sởi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng như nhiều người, chị rất lo trước tình hình bệnh lây nhiễm tăng và đưa con đi tiêm phòng theo lịch. Điều đáng nói là tâm lý lo ngại của phụ huynh khi đưa con em đi tiêm phòng các loại bệnh trong chương trình TCMR hoặc dịch vụ vẫn rất cao. Nhiều người đã đem con đến tiêm chủng nhưng bồn chồn bởi họ sợ bị tai biến. Do vậy, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về lợi ích của việc tiêm chủng vẫn rất cần thiết.
Các bệnh sởi, thủy đậu, quai bị dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, ăn uống nên nếu không vệ sinh kỹ càng, không có ý thức bảo vệ cho người xung quanh là rất dễ lây lan. Nhiều công nhân ở khu nhà trọ còn “giấu bệnh”, vẫn đi làm bởi sợ bị trừ lương nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát thành dịch là rất lớn. Đáng ngại nữa là có nhiều người phát hiện bệnh nhưng không đến cơ sở y tế mà tự ở nhà chữa… phép, theo các phương pháp dân gian. Đó là điều không nên mà cần có ý kiến của bác sĩ để điều trị tích cực, đúng bệnh.
Cần hiểu bệnh và phòng bệnh tốt hơn
Bà Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết trong 2 tháng qua, nhiều loại bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp như sởi, thủy đậu, quai bị… gia tăng. Những bệnh này xảy ra nhiều ở trường học, ký túc xá, khu vực nhà trọ, những nơi vệ sinh môi trường kém, không được bảo đảm…
Người dân không quá lo ngại về tiêm chủng. Hiện tại, vắc-xin sởi có đủ liều cho chương trình TCMR. Vắc-xin ngừa thủy đậu chỉ có dịch vụ. Bà Hồng Lê giải thích thêm: “Có những trường hợp mắc bệnh sởi khi trẻ chỉ mới 7 tháng, gần 8 tháng trong khi lịch tiêm chủng sởi là từ 9 đến 24 tháng. Điều này cho thấy trẻ mất cơ hội miễn dịch do mẹ không được tiêm ngừa vắc-xin sởi, mẹ không cho con bú sớm, đúng cách để tăng sức đề kháng, cơ thể chưa tạo được kháng thể nên mắc bệnh”. Do vậy, để phòng chống bệnh sởi cũng như nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác, người dân cần quan tâm đến lịch tiêm chủng các vắc-xin miễn dịch cơ bản, như: viêm gan B sơ sinh, bại liệt, sởi… Bên cạnh đó cần giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh răng miệng kỹ hơn, rửa tay bằng xà phòng… Vệ sinh môi trường sống như sàn nhà, phòng tắm… bằng chất tẩy rửa kháng khuẩn. Tránh đến những vùng đang có dịch bệnh và khi bản thân đang bệnh, cần có ý thức bảo vệ, tránh lây lan cho người xung quanh…
Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã triển khai kế hoạch tiêm vét vắc-xin sở ở các huyện, thị, thành phố. Việc tiêm phòng sởi sẽ được tổ chức cùng buổi với tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường, cơ sở y tế… Mỗi điểm tiêm có ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn (khám sàng lọc, tiêm vắc-xin). Cán bộ y tế cơ sở phải rà soát các đối tượng sau mỗi buổi tiêm chủng để thông báo các đối tượng đến tiêm, tránh bỏ sót…
QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN