Năm 2017, ngành gỗ của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đã có một năm thành công vượt bậc, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường mở rộng hơn. Năm 2018 được đánh giá tiếp tục có nhiều cơ hội cho ngành gỗ phát triển.
Lợi thế từ các FTA
Hiện ngành gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Về thị trường nguyên liệu, có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) chế biến, sản xuất gỗ trong nước. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đầu vào và đầu ra sản phẩm cho ngành gỗ của Bình Dương rất phong phú, ổn định ở cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nhập nguyên liệu. Có thể nói, năm 2018 có nhiều thuận lợi để ngành gỗ tiếp tục phát triển và mở rộng thị phần. Nổi bật là các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam đã ký kết với các nước giúp cho ngành gỗ trong nước có thêm điều kiện phát triển.
Sản xuất gỗ tại Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt. Ảnh: XUÂN VĨ
Điển hình, khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ được hưởng mức thuế 0%. Mức thuế này được áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến và sản phẩm gỗ (mức thuế trước khi EVFTA có hiệu lực là 3%), đồ nội thất bằng tre hoặc mây (mức thuế trước khi EVFTA có hiệu lực là 5,6%), ván ép gỗ (mức thuế trước khi EVFTA có hiệu lực là 4%), đồ trang trí bằng gỗ (mức thuế trước khi EVFTA có hiệu lực là 3%).
Trong những năm qua, các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.HCM hỗ trợ xây dựng mô hình 5s để cải tiến, nâng cao chất lượng, năng suất sản xuất. Bên cạnh đó, bản thân các DN gỗ trong tỉnh cũng rất nỗ lực đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng sức cạnh tranh của ngành trên thị trường xuất khẩu.
Bài toán nguồn nguyên liệu
Có thể thấy, biến động giá nguyên liệu, nhất là nguyên liệu gỗ cao su, trong năm 2017 đã làm nhiều DN gỗ Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, các DN sẽ phải dự trữ đầy đủ nguồn nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng. Tại buổi “Gặp gỡ mùa thu” giữa các DN gỗ Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai vừa qua, nhiều vấn đề chiến lược phát triển ngành gỗ trong tương lai đã được lãnh đạo các DN đem ra mổ xẻ, phân tích. Vấn đề đáng quan tâm nhất của ngành gỗ vẫn là nguồn nguyên liệu và việc liên kết giữa các DN với nhau.
Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Gỗ Mtrade cho hay, hiện EU đang giúp Việt Nam xây dựng chứng chỉ hợp pháp tại vùng trồng nguyên liệu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Việc này mang nhiều ý nghĩa, bởi thị trường EU chỉ chấp nhận sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc từ nguyên liệu sạch. Tuy vậy, việc phát triển trồng rừng phục vụ nhu cầu sản xuất gỗ trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, bởi diện tích rừng trồng vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế. Về lâu dài, ngành gỗ cả nước vẫn phải nhập nguyên liệu. Chính vì thế, việc bảo đảm, giữ vững giá cả nguyên liệu đang cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
Lãnh đạo Công ty Gỗ Tường Văn chia sẻ, năng lực sản xuất của các DN trong nước vẫn còn những khoảng cách nhất định. Nhưng cho dù là DN lớn hay DN nhỏ, việc liên kết cần phải được quan tâm đúng mức mới có thể huy động sức mạnh tổng thể của cả ngành gỗ. Phân công sản xuất, chuyên môn hóa từng công đoạn sẽ giúp các DN hoạt động chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.
Theo BIFA, xu hướng chia sẻ đơn hàng, đặt gia công một số công đoạn đang được các DN thành viên có đơn hàng lớn áp dụng; trong khi đó nhiều DN nhỏ đang gia công theo đơn đặt hàng từ DN lớn. Có thể nói, xu hướng này vừa giúp DN nhỏ có “việc làm”, tăng doanh số, DN lớn có thêm thời gian nghiên cứu, thiết kế thêm mẫu mã mới, quảng bá tiếp cận thêm nhiều thị trường.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ, ngành gỗ của Bình Dương đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà. Việc cho ra đời khu công nghiệp chuyên ngành gỗ cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với sản phẩm thế mạnh của địa phương. Trong thời gian tới, ngành gỗ của Bình Dương vẫn phát triển ổn định. Tuy nhiên, để giữ vững đà phát triển Bình Dương cần có thêm những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển nguyên phụ liệu ngành gỗ. Nếu tạo được sự đột phá trong công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ của Bình Dương sẽ có thêm chỗ dựa vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ.
XUÂN VĨ