Giá giảm kỷ lục, người trồng tiêu ở Phú Giáo lại lo

Cập nhật: 03-07-2017 | 00:14:47

Những ngày qua giá hạt tiêu liên tục giảm, từ 140.000 đồng/kg đầu năm xuống còn 80.000 đồng/kg đã tác động rất lớn đến thu nhập của người trồng tiêu trong cả nước. Trước thực tế này, nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Phú Giáo đã giữ hàng chờ giá lên mới bán.

Ông Nguyễn Kim Thành, hộ nông dân trồng tiêu ở ấp Phú Thịnh II, xã An Thái, huyện Phú Giáo, cho biết gia đình ông trồng tiêu đã hơn 10 năm qua, cũng nhờ cây tiêu mà gia đình có cuộc sống ổn định. Gắn bó với cây tiêu đã nhiều năm nhưng chưa năm nào ông lại thấy giá biến động bất thường như vụ mùa năm nay: Đầu mùa giá tiêu đang từ 150.000 đồng/kg tụt xuống còn 100.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 110.000 đồng/kg, nay lại giảm sâu còn 80.000 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016 giá tiêu hiện nay đã giảm từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông còn hơn 2 tạ tiêu khô định đem bán lấy tiền đầu tư lại cho phần diện tích mới xuống giống, nhưng do giá xuống thấp ông đã giữ lại và đi vay mượn tiền để đầu tư, chờ giá lên bán tiêu để trả nợ.

Một hộ trồng tiêu ở xã An Bình, huyện Phú Giáo đang tranh thủ trời nắng phơi tiêu để bảo quản chờ giá lên mới bán. Ảnh: HẢI SÂM

Còn anh Phạm Văn Dũng, ngụ ấp Cà Na, xã An Bình thì cho hay gia đình anh đang “cất giữ” hơn 4 tấn tiêu do giá quá thấp. Hơn 20 năm gắn bó với cây tiêu, anh từng chứng kiến năm 2016 có thời điểm giá tiêu xuống thấp kỷ lục, nhưng hiện nay còn giảm sâu hơn. Với giá này, hơn 4 tấn tiêu của gia đình anh vẫn đang được cất giữ, bởi nếu bán thời điểm này anh cầm chắc lỗ nặng.

Lý giải nguyên nhân tình trạng giá tiêu giảm sâu như hiện nay, ông Thành cho biết là do sản lượng tiêu trong nước năm nay tăng mạnh so với năm trước, nhất là ở Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; sản lượng làm ra cao hơn nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng tồn kho lớn đã kéo giá tiêu giảm xuống. Ngoài ra, “theo những thông tin tôi được biết, tiêu của Việt Nam không xuất bán được là do bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên một số nước đã tạm thời ngưng nhập. Người trồng tiêu chúng tôi không biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do đâu, những chắc chắn không có chuyện dư lượng xuất phát từ người trồng tiêu”, ông Thành nói.

Cùng chia sẻ với suy nghĩ này, anh Dũng nói anh không biết sản lượng cung vượt cầu ra sao mà chỉ có mỗi tiêu của nước ta bị ứ đọng, còn các nước như Ấn Độ, Braxin tiêu của họ vẫn tiêu thụ bình thường. “Tôi cho rằng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện ở khâu nào thì không biết, chứ ở khâu trồng, thu hoạch sản phẩm của nhiều gia đình trồng tiêu ở xã An Bình thì rất khó xảy ra. Vì đối với cây tiêu, người trồng chỉ phải phun thuốc bảo vệ thực vật khi tiêu mới đơm bông, đậu trái, trái non. Còn từ khi trái già cho đến khi thu hoạch việc phun thuốc bảo vệ thực vật ngưng hoàn toàn và ở thời điểm này cũng không phải phun xịt bất cứ loại thuốc gì. Để kiểm chứng những gì tôi nói, ngành chức năng có thể đến các hộ trồng tiêu ở An Bình kiểm tra. Tôi cũng đề nghị Nhà nước có giải pháp ổn định giá cả cho nông sản của nông dân, không để cho thương lái quyết định giá”, anh Dũng cho hay.

Trước tình hình giá tiêu giảm sâu như hiện nay, ông Bùi Văn Quen, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho rằng bà con trồng tiêu trong huyện không vì những tác động nhất thời mà phá bỏ cây tiêu. Bài học chặt bỏ rồi lại trồng từ cây điều, cao su, cà phê, một thời là cây tiêu những năm trước vẫn luôn cần được bà con nhìn nhận nghiêm túc. Mỗi cây trồng, vật nuôi đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với từng vùng đất, thổ nhưỡng, đừng vì giá cả nhất thời mà chạy theo, chỉ có thiệt thòi cho chính mình.

HẢI SÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1259
Quay lên trên