Cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm đều tuyên chị Lê Thị T. được quyền nuôi con. Tuy nhiên sau đó người mẹ trẻ này lại tiếp tục hành trình gian nan đi... đòi con vì cha ruột của đứa bé không chịu thi hành án (THA)...
Suốt thời gian dài sau đó, chị T. mang đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc của mình. Cụ thể là thực hiện theo nội dung của bản án phúc thẩm là giao đứa con trai 6 tuổi cho mình nuôi dưỡng. Chị yêu cầu cơ quan chức năng phải tiến hành cưỡng chế việc giao con cho mình.
Căn cứ vào nội dung bản án phúc thẩm và đơn yêu cầu của chị T., cơ quan THA dân sự địa phương đã ban hành quyết định THA với điều khoản là buộc ông K. phải giao con chung cho bà T. trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên sau đó khi chấp hành viên tiến hành thông báo quyết định này cho ông K. thì ông không có mặt tại nơi cư trú. Chính quyền cho biết đương sự này thường xuyên vắng mặt tại địa phương. Ông K. đi đâu và làm gì chính quyền địa phương cũng không hề hay biết; ông K. không thực hiện việc cắt chuyển khẩu hay tạm vắng...
Do không thể thông báo quyết định THA trực tiếp tới đương sự nên chấp hành viên thực hiện niêm yết công khai quyết định tại trụ sở cơ quan THA dân sự, UBND xã nơi đương sự cư trú và tại nhà của ông K.
Về phần chị T., chị quyết tâm đi tìm cho được ông K. để đòi lại con. Sau thời gian dài ròng rã, chị phát hiện chồng cũ đang ở trọ tại TX.Thuận An. Con trai chị cũng đang học tại một trường mẫu giáo trên địa bàn này. Từ thông tin chị T. cung cấp, chấp hành viên đã trực tiếp đến nơi ông K. làm việc cũng như nơi cháu bé đang học để xác minh. Sau đó cán bộ chức năng đã có buổi làm việc với ông K., đồng thời vận động ông giao con cho mẹ ruột là chị T. trực tiếp nuôi dưỡng. Chấp hành viên cũng báo cho ông K. biết nếu không thực hiện việc giao con thì Chi cục THA dân sự sẽ ban hành quyết định cưỡng chế giao con và xử lý theo quy định. Tuy nhiên ông K. kiên quyết không giao con cho chị T.
Được sự động viên của cán bộ THA, địa phương, mấy ngày sau ông K. đồng ý giao con cho chị T. ngay tại nhà mình. Tuy nhiên đến ngày hôm đó ông K. và đứa bé không có mặt tại địa điểm đã được thống nhất.
Hơn 6 tháng gian nan đi đòi con ruột của mình, chị T. đã mất biết bao nước mắt, mồ hôi. Đến nay, người mẹ ấy đã được nhận con, được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Có được kết quả trên ngoài nỗ lực của người mẹ ấy, cũng phải kể đến nỗ lực của chấp hành viên tham gia vụ việc này vì đây là một loại việc THA đặc thù, phức tạp, do đối tượng THA không phải là tiền, tài sản mà trọng tâm là con người. Việc cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thường ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của cả người được, người phải THA và cả người chưa thành niên. Vì vậy chấp hành viên phải tích cực, kiên trì và thực hiện các trình tự, thủ tục đúng theo quy định của pháp luật về THA dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan..
L.T.PHƯƠNG