Không phải con nhà nòi, nhưng với chất giọng ngọt ngào, mùi mẫn, hơn 20 năm qua, anh được người ái mộ nhạc tài tử - cải lương ở miền Đông và Tây Nam bộ yêu mến. Cứ nơi nào có hoạt động đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương, thì người ta đều thấy có sự góp mặt của anh. Anh chính là nghệ nhân Minh Đức, thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương và câu lạc bộ (CLB) ĐCTT thuộc Trung tâm Văn hóa TP.Hồ Chí Minh.
Nghệ nhân Minh Đức đang truyền dạy nhạc tài tử - cải lương
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lái Thiêu (TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) cây lành trái ngọt, nơi có phong trào ĐCTT phát triển mạnh mẽ, với nhiều giọng ca hay, ngón đờn điêu luyện. Từ thuở thiếu thời, cậu bé Phan Minh Đức (tên thật của nghệ nhân Minh Đức) rất đam mê những điệu nhạc, lời ca của nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương. Thấy Minh Đức có giọng ca khá, nhiều cô bác trong xóm chỉ dạy anh cách ca vọng cổ, sau đó anh học lõm qua đài phát thanh, tự tập ca những điệu lý và một số bài bản nhỏ của âm nhạc cổ truyền Nam bộ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh dự thi và trúng tuyển vào khoa Diễn viên cải lương của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh) niên khóa 1990-1993. Tại đây, anh may mắn được những thầy cô rất giỏi chuyên môn truyền dạy kỹ thuật thể hiện bài bản và nâng cao nhịp thức. Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ và nghệ sĩ Kim Loan dạy nhịp nhàng và kỹ thuật thanh giọng, NSƯT Công Thành và NSƯT Tấn Đạt dạy phong cách ca tài tử. Chỉ sau một thời gian ngắn, Minh Đức thể hiện được tất cả các làn điệu trong 20 bản tổ của âm nhạc tài tử và hầu hết các bài bản của sân khấu cải lương. Sở hữu chất giọng “thổ pha đồng”, vừa trầm ấm lại vừa ngân vang khi cất lên những chữ nhạc (âm nhạc phương Tây gọi là “nốt”) cao. Nhờ vậy mà Minh Đức ca những bài bản thuộc hơi điệu Bắc và Oán khá “hay”. Đặc biệt, kỹ thuật sắp nhịp của anh vô cùng độc đáo. Anh ca không cần luyến láy hay lạng bẻ mà vẫn thu hút người nghe. Theo giới chuyên môn, nghệ nhân Minh Đức có chất giọng khỏe, làn hơi đầy đặn, cao độ tốt, nhất là biết kết hợp ca - diễn thật nhuần nhuyễn. Cũng nhờ ưu điểm này, sau hơn 20 năm gắn bó với nghiệp cầm ca, anh đoạt nhiều HCV trong các kỳ liên hoan, hội thi về ĐCTT và sân khấu cải lương như: HCV Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 và nhiều HCV trong một số cuộc liên hoan ĐCTT ở cấp địa phương, khu vực và toàn quốc. Hiện nay, nghệ nhân Minh Đức chạy “show” thường xuyên vì được nhiều đơn vị mời cộng tác trong các chương trình văn nghệ liên quan đến nhạc tài tử - cải lương. Ngoài ra, những năm gần đây, anh tiếp bước con đường của cha ông, đi truyền dạy nhạc tài tử - cải lương khắp nơi. Với mong muốn góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa “đặc thù” của quê hương Nam bộ. với nghiệp cầm ca, anh đoạt nhiều HCV
Giữa những ồn ào, sôi động của dòng nhạc thị trường, chàng nghệ sĩ gốc Bình Dương vẫn âm thầm theo đuổi những làn điệu mượt mà của âm nhạc ngũ cung. Cũng như hầu hết các nghệ nhân, nghệ sĩ gắn bó với âm nhạc cổ truyền Nam bộ, nhiều lúc Minh Đức không khỏi chạnh lòng, khi phần đông công chúng tỏ ra yêu thích những loại hình nghệ thuật mang tính giải trí sôi động nhiều hơn. Nhưng đó là chuyện của những năm trước đây, vì hiện nay xu hướng thưởng thức âm nhạc của công chúng đã có nhiều thay đổi, họ đã trở lại với những giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng. Minh Đức cho rằng: Nhạc tài tử - cải lương như dòng chảy ngầm, ít ai thấy, nhưng lại chảy mãi và sẽ không bao giờ cạn. Bởi lẽ với mỗi con người, khi trưởng thành họ thường tìm về với quê hương, nguồn cội, trở về với tiếng nói riêng của lòng mình. Chính vì vậy mà nhạc tài tử - cải lương đã trở thành “máu thịt” và dù có “đơn thân độc mã” giữa bầu trời nghệ thuật, nghệ nhân Minh Đức vẫn quyết tâm gắn bó với dòng nhạc mà anh đã theo đuổi bấy lâu nay.
PHẠM THÁI BÌNH