Chiều 3-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thừa ủy nhiệm trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho các cá nhân
Dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả
Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 283.287 ca mắc Covid-19 ở 9/9 huyện, thị, thành phố; đã có 278.277 bệnh nhân khỏi bệnh chiếm tỷ lệ 98,2% và 2.760 bệnh nhân tử vong. Toàn tỉnh còn 3.353 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và 9.037 bệnh nhân điều trị tại nhà. Tỉnh đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được 4.253.301 liều, trong đó có 2.443.099 người tiêm mũi 1.
Trong 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, số ca nhiễm giảm đáng kể, đặc biệt là số ca nhiễm tại cộng đồng. Hiện hầu hết các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn các ca nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và lây lan bất cứ khi nào.
Tại hội nghị, các đơn vị đã trình bày một số bài học kinh nghiệm chống dịch. Trong đó, các tham luận tập trung vào nội dung: Cần chủ động nhận định, đánh giá tình hình, phát huy tốt vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng; phân cấp, phân quyền trong triển khai nhiệm vụ; rà soát, nắm chắc các đối tượng, chuẩn bị nguồn lực, hỗ trợ kịp thời người dân trong an sinh xã hội; xây dựng chiến lược xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nhanh, hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng; chú trọng xây dựng nguồn lực y tế cơ sở, bảo đảm đầy đủ nguồn thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng cường độ phủ vắc xin và tổ chức linh hoạt các hình thức tiêm lưu động, tiêm tại nhà...
Nhấn mạnh yếu tố phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh “bình thường mới”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị tỉnh bỏ khái niệm F1, F2, F3 để không kỳ thị người nhiễm. Đặc biệt, các đơn vị y tế cơ sở cần phân loại F0 để điều trị sớm, động viên người dân khai báo y tế khi phát hiện nghi nhiễm. Hơn hết các địa phương cần kiện toàn trạm y tế lưu động với tính năng nhỏ, gọn hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tình huống dịch bệnh trong giai đoạn mới.
Sẵn sàng ứng phó các đợt dịch mới có thể bùng phát
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh ghi nhận những đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ sâu sắc trước những khó khăn mà nhân dân đã phải gánh chịu trong đợt dịch bệnh vừa qua và gửi lời tri ân cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng vì mục tiêu sức khỏe của nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát các đợt dịch mới với biến chủng mới. Để đáp ứng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ phù hợp điều kiện thực tiễn của tỉnh theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới”, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện 7 giải pháp trọng tâm, trong đó hệ thống y tế là trụ cột, trung tâm y tế là then chốt trong phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý tình hình dịch bệnh trong giai đoạn tới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát các đợt dịch mới với biến chủng mới, hệ thống y tế cần chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó phòng, chống dịch bệnh, xây dựng, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở để đi vào thực chất, có hiệu quả; tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị. Đặc biệt, ngành y tế cần triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể để giảm số ca tử vong do Covid-19, trong đó phải quan tâm, theo dõi người bệnh trong nhóm có nguy cơ cao, giám sát ngay từ khi nhập viện.
Ngành cần kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ từ xa, xây dựng hệ thống giám sát y tế. Mỗi đơn vị cấp huyện nghiên cứu, đầu tư xây dựng ít nhất một cơ sở thu dung, điều trị F0 với quy mô phù hợp theo mô hình tháp 3 tầng. Trạm y tế truyền thống và trạm y tế lưu động phải có giường lưu bệnh, phải chủ động bảo đảm các loại vật tư, trang thiết bị, thuốc điều trị, oxy y tế… và các điều kiện cần thiết khác để ứng phó với các cấp độ dịch, đạt hiệu quả cao trong công tác điều trị.
Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, bước sang giai đoạn mới, dù có những khó khăn, thách thức mới, Bình Dương vẫn sẽ tiếp tục giữ vững những thành quả phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, từng bước phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống trong trạng thái “bình thường mới”, góp phần hoàn thành tốt “mục tiêu kép” giai đoạn tới.
HOÀNG LINH