Với hàng chục di tích lịch sử - văn hóa và làng nghề truyền thống, Bình Dương hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch về nguồn cho giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên (HS-SV), qua đó quảng bá hình ảnh Bình Dương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử. Thế nhưng hiện nay những tour du lịch về nguồn vẫn chưa nhiều và các trường chưa mạnh dạn tổ chức để HS-SV tìm hiểu giá trị di tích.
Vẫn ít HS-SV đến với di tích
Bình Dương có 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là các làng nghề truyền thống như gốm, gỗ, guốc, lò lu, rừng chiến khu Đ, núi Cậu, những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi. Những địa điểm này thực sự có thể phát triển thành những tour du lịch về nguồn kết hợp để giới trẻ Bình Dương trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu về cuộc sống, con người trên vùng đất mà mình được sinh ra và lớn lên. Ông Nguyễn Văn Đây, cựu chiến binh TP.Thủ Dầu Một nói: “Di tích lịch sử là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là một chứng tích cụ thể nhất về chặng đường gian khó mà hào hùng của ông cha trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Những năm qua, Bình Dương đã chú trọng trùng tu tôn tạo những chứng tích ấy. Nếu không phát huy được giá trị lịch sử của chúng, hay nói cách khác là các di tích không thể kể về câu chuyện lịch sử của chính mình cho thế hệ sau thì rất hoang phí”.
Các em học sinh đến tham quan di tích lịch sử Chiến khu Thuận An Hòa (TX.Thuận An)
Với mục đích đó, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sở VH-TT&DL cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cần đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho HS-SV bằng việc tham quan thực tế tại các di tích lịch sử trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường. Tuy nhiên, đến nay những tour du lịch tìm về các địa chỉ đỏ vẫn còn hiếm hoi, mang tính tự phát, chưa thu hút.
Cần có tour chuyên nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên làm công tác phụ trách Đội tại TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, thật sự trường rất muốn tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được nhiều, nếu có thì tổ chức về Nhà tù Phú Lợi. Nhiều khi trường cũng muốn thuê một đơn vị du lịch đứng ra tổ chức trọn gói để cho các em tham quan, học hỏi nhưng lại không biết đơn vị lữ hành nào trong tỉnh có các tour như vậy để liên hệ. Cùng quan điểm, cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (TP. Thủ Dầu Một) cho biết, mỗi năm trường đều tổ chức cho học sinh về thắp hương tại Nhà tù Phú Lợi, hoặc tham gia các hoạt động của Thành đoàn tổ chức. “Việc đến các di tích lịch sử trong tỉnh hiện nay trường tổ chức chưa nhiều, do mỗi lần đi rất đông học sinh. Nếu không có các công ty du lịch tổ chức thì nhà trường không thể nào đảm nhiệm được, vì phải phụ trách nhiều việc từ thuê xe, hoạt động vui chơi, ăn uống. Tiếc là Bình Dương hiện nay không có các dịch vụ này”, cô Hoa nói.
Thực tế phải thừa nhận, nếu tổ chức các tour đơn thuần chỉ là tham quan các di tích chắc chắn sẽ rất đơn điệu và nhàm chán, mà tour cần phải vừa học vừa chơi mới tạo sự hứng thú trong các em. Theo các công ty lữ hành trong tỉnh, việc xây dựng các tour du lịch về nguồn kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống, tìm hiểu các sản phẩm kinh tế đặc trưng của một địa phương… Khi đó, các tour không chỉ góp phần phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa mà còn quảng bá được hình ảnh Bình Dương đến với mọi người trong và ngoài tỉnh.
“Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch, Phòng Du lịch tỉnh phối hợp, tạo mọi điều kiện để các công ty lữ hành trong tỉnh xây dựng các tour du lịch về nguồn. Bên cạnh đó, sở cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn hướng dẫn các trường đưa HS-SV về với địa chỉ đỏ. Với những nỗ lực đó, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều học sinh, sinh viên biết về di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Các em sẽ hiểu hơn về mảnh đất Bình Dương xưa - nay để chung tay xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”.
(Ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL)
TỐ TÂM