Vào những dịp lễ, tết, đình đám, hoặc các sự kiện trọng đại thì không thể thiếu những màn trình diễn lân - sư - rồng (LSR) rộn rã, sôi động. Một trong những màn tuyệt kỹ của nghệ thuật này là lân lên Mai hoa thung trên nền trống trận thôi thúc, giục giã.
Đoàn Kwong Ngai với màn trình diễn tại Hội thi lân lên Mai hoa thung Bình Dương mở rộng năm 2015
Nhằm tạo điều kiện cho các đoàn LSR trong và ngoài tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về kỹ thuật biểu diễn Mai hoa thung, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa tổ chức Hội thi lân lên Mai hoa thung Bình Dương mở rộng năm 2015. Hội thi đã thu hút 10 đoàn LSR đến từ TP.HCM, Tây Ninh, Huế và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã thi đấu vòng loại để chọn ra 4 đoàn có số điểm cao nhất vào chung kết tranh tài cùng các đoàn từng đoạt giải cao ở các sân chơi toàn quốc và quốc tế như: Long Kun Việt Nam, Phước Anh Đường, Vĩnh Phú Đường (Bình Dương), Hào Dũng Đường, Hải Nam Hào Quang Đường (TP.HCM).
Kết quả, Đoàn Kwong Ngai Việt Nam (Lái Thiêu, TX.Thuận An) đã xuất sắc đoạt giải nhất, giải nhì thuộc về đoàn Phước Anh Đường (TX.Thuận An), giải ba thuộc về Vĩnh Phú Đường (TX.Thuận An) và giải tư thuộc về Soonlee Tang Việt Nam (TX.Tân Uyên).
Mục sở thị các đoàn biểu diễn mới thấy được niềm đam mê và sự dày công tập luyện kỹ thuật múa LSR lẫn võ thuật của các “vũ công”. Đó là sự khéo léo, chính xác, ăn ý nhịp nhàng giữa 2 vũ công trong từng bước chân cộng với sự mạo hiểm khi chồng người vọt lên cao hoặc chúi đầu xuống đất từ những trụ sắt cao (từ 1,2m đến trên 2,5m) theo nhịp trống. Chỉ chệch chân hay mất thăng bằng một chút khi đang trình diễn, cả hai vũ công sẽ rơi ngay xuống sàn đài.
Bên cạnh những kỹ thuật trên, điều thú vị là những chú lân đã được nhân cách hóa khá hoàn hảo khi biểu diễn. Chẳng hạn như trước khi lên Mai hoa thung, các chú lân đều dò xét, tính toán độ cao. Lên Mai hoa thung được rồi thì lại chần chừ, tỏ vẻ ngán ngại trước lúc phóng mình qua những quãng cách khá xa giữa hai trụ, thể hiện sự mừng rỡ khi đoạt được vật phẩm bên dưới trụ… Tuy mất thời gian diễn đạt nhưng hình như trong mỗi cái nháy mắt, vểnh tai, bước chân tiến thoái, chú lân đều thể hiện được những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Và cũng chính vì thế, lân lên Mai hoa thung đã trở thành một nội dung không thể thiếu, luôn được khán giả háo hức chờ đợi trong các cuộc biểu diễn hoặc tranh tài LSR, bởi nó thể hiện trình độ, năng lực thật sự của một đoàn LSR.
Nhễ nhại mồ hôi sau những màn trình diễn thành công tại hội thi, Trần Thanh Dũ - vũ công cầm đầu lân (Đoàn LSR Kwong Ngai Việt Nam, Lái Thiêu) cho biết: Mặc dù bị té và nhiều lần bị chấn thương nặng nhưng Dũ vẫn rất thích bộ môn này. Còn với người bạn đồng đội Võ Hoàng Tánh - vũ công giữ đuôi lân (Đoàn LSR Kwong Ngai Việt Nam, Lái Thiêu) thì những màn phóng nhanh trên các trụ, lăn vòng ngoạn mục khiến khán giả vỗ tay tán thưởng là chất xúc tác giúp Tánh biểu diễn có nét hơn.
Tuy là một nghệ thuật khó tập luyện, nhưng khi biểu diễn thành công thì lân lên Mai hoa thung luôn cuốn hút người xem và đem lại nhiều niềm vui cho mọi người.
THỤC VĂN