“Một thành phố tươi xinh, một thành phố văn minh”, “Điểm đến dành cho tất cả” là những thông điệp ý nghĩa mà tiểu phẩm “Người đô thị” (tác giả, đạo diễn: Đức Dũng) đã và đang tuyên truyền đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Với cách dàn dựng cùng nhiều tình tiết dở khóc, dở cười và sự dí dỏm của các diễn viên Đội Tuyên truyền và Chiếu bóng lưu động tỉnh, tiểu phẩm đã mềm hóa nhiều thông tin, làm cho người dân dễ nghe và dễ hiểu.
Một cảnh trong tiểu phẩm “Người đô thị”
Thật vậy, như chúng ta đã biết, từ một tỉnh nông nghiệp vào năm 1997, Bình Dương đã làm tất cả để có một cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại bền vững bằng việc chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ, để làm nền tảng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Và trong tiến trình nỗ lực xây dựng và hoàn thiện đô thị văn minh và hiện đại (giai đoạn 2016-2020), Bình Dương đã gặp phải những gánh nặng khó tháo gỡ đó là an toàn giao thông, ứng xử văn hóa, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị. Và nếu chúng ta cùng nhau xây dựng đô thị văn minh thì mới có thành phố thông minh. Cũng theo VĐV 2031, thành phố thông minh là tạo ra một môi trường lành mạnh lý tưởng, xây dựng một nơi có điều kiện đáng sống. Trong đó, công nghệ được ứng dụng để mang lại lợi ích cho đời sống người dân, cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài hình ảnh 2 VĐV đang chạy đua này, khán giả còn có dịp hiểu thêm về cách ứng xử văn hóa giao thông của các nhân vật trong ca cảnh “Một phút, một đời”. Các thông điệp trong ca cảnh được lồng ghép bằng những điệu lý và những bài ca cổ được soạn lời mới rất hay, nên khán giả càng hứng thú theo dõi. Qua vụ tai nạn giao thông của cô Bướng và anh Càng và sự trợ giúp của 2 đoàn viên thanh niên, mọi người như dần hiểu rõ hơn thế nào là vô cảm, phản cảm khi tham gia giao thông. Để qua đó nhận ra rằng “một thái độ không hay, một biểu hiện không đúng… làm xấu môi trường mình đang sống, mà còn cản trở những điều tốt đẹp xung quanh chúng ta”. Bình Dương hôm nay đang xây dựng một môi trường sống đẹp, là vùng đất yên lành cho muôn chim về xây tổ. Mỗi một tiếng ồn cũng có thể làm cho chim muông chùn cánh. Mỗi một chiếc lá vàng rơi, cũng có thể làm cho tổ phải dời cây. Vì thế, mọi người hãy cùng thực hiện ứng xử văn minh văn hóa đi đường. “Thà rằng một phút chậm chân, còn hơn ân hận bởi xong một đời”.
Trong tiểu phẩm “Người đô thị” cũng đã dấy lên hồi chuông về sự mất an toàn do hành động lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn cho người giao thông. Sự thông hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành của cô Năm và chú Sáu tại quán cà phê Năm Thị và tiệm tạp hóa Sáu Đô sẽ góp phần làm cho đường thông, hè thoáng, mang đến sự an toàn cho mọi người, đặc biệt là mang lại hạnh phúc cho chị Minh và anh Văn. Chia sẻ với chúng tôi về những cảm xúc khi xem tiểu phẩm, ông Nguyễn Văn Thông (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo), cho biết trước đây đã nghe nhiều về văn hóa giao thông, về xây dựng thành phố thông minh, nhưng nhờ có chương trình này, chúng tôi mới thực sự hiểu rõ và nhận thấy rằng, cần ứng xử văn hóa để thấy mình là người văn minh. Bởi vì “an toàn giao thông”, “ứng xử văn minh” là để “cuộc sống an toàn”.
THỤC VĂN