Hệ y tế dự phòng tỉnh - vị trí quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu

Cập nhật: 02-11-2016 | 09:02:05

Sau năm 1975, đời sống nhân dân khó khăn, nghèo đói; nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh như dịch hạch, sốt rét và các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng, suy dinh dưỡng rất cao; nhân lực, thiết bị y tế thiếu thốn đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế.

Trước tình hình bệnh tật, nhất là một số bệnh dịch có thể xảy ra, ngành y tế đã thành lập Trạm vệ sinh phòng dịch trong những tháng cuối năm 1975 để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân, nhất là người dân vùng kinh tế mới. Đồng thời, nắm lại tình hình các ổ dịch cũ trong tỉnh, lên kế hoạch phòng chống khi có dịch xảy ra. Sau đó, năm 1976 thành lập tiếp các trạm chuyên khoa đầu ngành để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, quản lý các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm khác, bệnh mãn tính... Với phương châm “Chăm sóc sức khỏe ở mọi nơi, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với công tác y tế” nên hệ thống y tế dự phòng đã triển khai thực hiện tốt phong trào 5 dứt điểm; mỗi xã, cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp đều có trạm y tế thực hiện điều trị tại chỗ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Kết quả nổi bật trên lĩnh vực y tế dự phòng là đã khống chế được các bệnh truyền nhiễm và các dịch bệnh nguy hiểm. Trong nhiều năm liền, trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm, HIV/AIDS được thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kể từ năm 1993, chương trình phòng chống sốt rét của tỉnh đều đạt mục tiêu 3 giảm hàng năm. Công tác truyền thông Giáo dục sức khỏe cũng được phát triển, hàng năm phát hành hàng ngàn tờ tin sức khỏe, các pano, áp phích... có nội dung tuyên truyền thực về giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Phối hợp Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền về các nội dung phòng chống AIDS, bảo vệ bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, bướu cổ...

Hệ y tế dự phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đó là, duy trì và tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của giai đoạn trước, hoàn thành sứ mệnh thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Từ sau năm 2001 đến nay, không có trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh. Tháng 11-2007, ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh trước thời gian quy định của Bộ Y tế là đến năm 2015… Mô hình bệnh tật ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đang ở giai đoạn chuyển đổi đó là các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng; một số bệnh dịch mới nổi như Mers.CoV, Ebola và mới đây là vi rút zika và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không còn suốt thời gian dài như bạch hầu, ho gà đang có nguy cơ quay trở lại sẽ là khó khăn, thách thức mới cho ngành y tế tỉnh nhà, nhất là hệ y tế dự phòng.

40 năm chỉ là cái “chớp mắt” so với lịch sử dân tộc, vậy mà trong cái “chớp mắt” ấy, hệ y tế dự phòng tỉnh Bình Dương đã đi được một chặng đường dài vững chắc, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thầm lặng nhưng vẻ vang của người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

BS.BẠCH TUYẾT (TT.Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=619
Quay lên trên