Hiệu quả từ nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ

Cập nhật: 10-06-2017 | 09:02:07

Ngày 1-11-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20 về phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20). Thực hiện Nghị quyết 20, tỉnh Bình Dương đã triển khai các chương trình hành động, qua đó thúc đẩy hoạt động KHCN, làm cho KHCN trở thành một trong những động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

 

Với việc triển khai chương trình cải tiến năng suất chất lượng đã giúp các DN xây dựng được môi trường lao động tốt hơn, góp phần giảm thiểu các chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hữu Toàn (TX.Thuận An). Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Các nhiệm vụ KHCN gắn với thực tiễn

 Từ khi Nghị quyết 20 có hiệu lực thi hành, toàn tỉnh đã triển khai 95 nhiệm vụ KHCN các cấp. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai theo hướng ứng dụng, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quản lý trên các lĩnh vực.

Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết cùng với việc triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở cũng được phát huy; tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cơ sở là trên 13 tỷ đồng. Hội đồng KHCN các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu việc triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN phù hợp với cơ sở.

Ở lĩnh vực y tế, với việc triển khai ứng dụng thiết bị laser bán dẫn công suất thấp tại 46 trạm y tế xã, phường, thị trấn của tỉnh đã nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, giảm chi phí cho người điều trị do không cần đi xa (tuyến huyện, tuyến tỉnh). Đối với lĩnh vực nông nghiệp, qua việc các địa phương xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ KHCN đối với cây bưởi, ổi lê, trồng rau thủy canh… theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thay đổi năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tạo nguồn thu đáng kể cho người dân.

“Thành tựu nổi bật của việc áp dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là xây dựng thành công các khu nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Israel, Hoa Kỳ, Hà Lan… điển hình như trại gà công nghệ cao Ba Huân, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng… Qua đó, các khu này đã góp phần sản xuất ra những sản phẩm nông sản sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và từng bước xây dựng thương hiệu nông sản của Bình Dương”, ông Dinh nói.

Nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất

Thông qua những chương trình, đề án, dự án KHCN trọng điểm đã giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Chánh Tín, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Cường Phát (TX.Thuận An), cho biết với Chương trình cải tiến năng suất, chất lượng do Sở KHCN và Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh triển khai, công ty đã có sự lựa chọn giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, có thể thực hiện trong điều kiện thực tế của công ty mà không phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Qua việc áp dụng kaizen (cải tiến liên tục), công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng chi phí nguyên liệu sản xuất.

Thực hiện Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong DN nhỏ và vừa của cả nước, một số DN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc cải tiến lò nung từ củi sang lò nung gas, từ đó chi phí cho nguyên liệu đốt đã giảm gần 40% so với nung bằng củi. Lượng nhiệt thoát ra trong quá trình nung cũng được tận dụng triệt để trong việc sấy khô các sản phẩm khác. Ông Lý Chí Thiện, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (TX.Bến Cát), chia sẻ trước đây khi nung bằng củi công ty tốn rất nhiều thời gian và nhân công, do phải canh lửa cho từng giai đoạn nung. Từ khi nung bằng gas, công ty chỉ cần một người canh lò, điều chỉnh nhiệt độ qua hệ thống van, do đó chi phí nhân công, nguyên liệu đốt cũng giảm. Ông Tín cho hay, từ khi áp dụng biện pháp thu nhiệt từ lò nung, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, sấy sản phẩm.

Ông Dinh nhấn mạnh, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 20 phải kể đến là Bình Dương đã đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KHCN theo nguyên tắc, kết quả nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được các đơn vị thụ hưởng cam kết sử dụng, nhân rộng khi nhiệm vụ hoàn thành.

Từ khi triển khai Nghị quyết 20, đóng góp của KHCN (qua chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp - TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều tăng hàng năm. Theo Cục Thống kê, năm 2010 TFP chiếm 15,65% tỷ trọng đóng góp của các yếu tố vào GDP của tỉnh; năm 2012 chiếm 29,9% và năm 2016 chiếm 33,7%.

 KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên