Hồ Chí Minh - người sáng lập, nhà báo vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 15-06-2020 | 10:47:30

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò nữ phóng viên Tuệ Oanh của Việt Nam Thông tấn xã về cách viết tin trong dịp đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội khóa III - ngày 26/4/1964. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Không chỉ là một Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy.

Đến nay những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối nền báo chí cách mạng nước nhà.

Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí.

Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động sinh động của cách mạng Việt Nam, Bác coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.

Do đó, ngày 21/6/1925, Bác đã sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên tờ Thanh niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này. Trước đó, từ khi còn đang hoạt động cách mạng ở Pháp - năm 1922, Người đã sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria).

Tiếp đến, tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 2/1927, báo Lính Kách Mệnh (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sỹ cách mạng cũng được Bác sáng lập.

Trong thời gian này, những tờ báo xuất bản dù công khai công khai hay bí mật đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Marx-Lenin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho thành lập một đảng cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng Nói Của Chúng Ta...

Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập và năm 1942 là báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này.

Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân dân dưới các bút danh C.B, K.C, C.N, T.L… để chỉ đạo phương hướng, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, mà Bác còn đào tạo thế hệ làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén để lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin; cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lập nên những kỳ tích, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.

Nhà báo vĩ đại

Sự nghiệp làm báo 50 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanitê  ngày 2/8/1919 và khép lại với bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969.

Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Với vai trò vừa chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa là cây bút chính của Báo Người cùng khổ (Le Paria), Bác đã viết nhiều bài lên án chủ nghĩa thực dân, hô hào, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa cùng nhau đoàn kết, đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.

Ngòi bút của Bác bao quát rộng lớn những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đang đặt ra, phân tích một cách sắc sảo, cụ thể, đánh giá rõ ràng, xác đáng, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi yết.

Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo cách mạng vĩ đại. Những tác phẩm báo chí của Người dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo.

Phóng viên Võ Thế Ái của Việt Nam Thông tấn xã (đi sau Bác Hồ) tháp tùng Bác đi thăm công trình đập Thác Huống, Thái Nguyên, để viết tin, bài, tháng 12/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các bài viết của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhụy, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó chính là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về người làm báo.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo” (1); “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(2).

“Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”(3). Vì vậy, đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.

Yêu cầu đầu tiên đối với người làm báo là phải vững vàng về phẩm chất chính trị. Bác căn dặn, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc.

Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(4).

Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (5).

Và “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” (6).

Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm.”

Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ.”

Tác giả Vũ Đình Hồng được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 3 - năm 2006 với tác phẩm "Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc." (Ảnh: Vũ Đình Hồng/TTXVN)

Trách nhiệm với nghề cũng là một đòi hỏi quan trọng đối với mỗi người làm báo. Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(7).

Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân, biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Bác nhấn mạnh: viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy.

Bác cũng đặc biệt quân tâm tới việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?.”

Bác còn dạy, thông tin trong tác phẩm báo chí phải “chân thực, chính xác,” phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc, “không được bịa ra, không nêu nói ẩu;” “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;” bài báo phải có bố cục “ngắn gọn;” ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dể hiểu,” “viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ”...

Bác nhắc nhở: “Muốn viết báo thì cần:

1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ”(8). 
Không chỉ là tấm gương về thực hành nghề báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại những lời dạy bổ ích trở thành kim chỉ nam hành động đối với đội ngũ những người cầm bút hôm nay./.

(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 9, trang 412;
(2), (6): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, trang 616;
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, trang 414;
(4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, trang 414; 
 (7): Lê Quốc Lý, Quan điểm của Chủ nghĩa Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 144;
(8): Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Cục xuất bản, Hà Nội, 1995, trang 139

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1133
Quay lên trên