Tối nay (8-4), tại Quảng trường Trung tâm Hành chính tỉnh diễn ra Lễ khai mạc Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 (Festival). Đây là ngày hội lớn của nhân dân Bình Dương nói riêng, các tỉnh, thành khu vực Nam bộ nói chung. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II trả lời phỏng vấn Báo Bình Dương về ý nghĩa, công tác chuẩn bị Festival ĐCTT và hướng bảo tồn loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc này.
- Thưa ông, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ ngày 8 đến 12-4, tỉnh Bình Dương vinh dự được đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II. Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích ngày hội này đối với nhân dân Bình Dương nói riêng, người dân Nam bộ nói chung?
- Sau thành công ở lần tổ chức đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu vào năm 2014, tỉnh Bình Dương vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chọn là địa phương đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II.
Nghệ thuật ĐCTT đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II là dịp để tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng; qua sự kiện này, bộ môn nghệ thuật ĐCTT sẽ được bảo tồn và phát huy thế mạnh vốn có; đồng thời đây cũng là một hoạt động thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014-2020 của Bộ VH-TT&DL.
Xuyên suốt qua các hoạt động của Festival sẽ góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đối với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp để tăng cường việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành trong khu vực Đông, Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Festival còn là hoạt động thiết thực hướng về kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2017).
Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đã chuẩn bị sẵn sàng
- Với ý nghĩa thiết thực đó, công tác chuẩn bị cho Festival được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Festival được tổ chức quy mô cấp quốc gia, gắn kết các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh với các sự kiện chính trị, văn hóa của quốc gia và khu vực Nam bộ. Do đó, công tác chuẩn bị và tổ chức Festival được thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và có sự phân công, phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương để bảo đảm cho sự thành công chung của Festival.
Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại mang tầm quốc gia này; ngay từ năm 2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai các hoạt động cho Festival. Từ đầu năm 2017 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất nội dung, chương trình cụ thể, chi tiết của Festival; bảo đảm cho nội dung và hình thức tổ chức phải đạt các tiêu chí độc đáo, ấn tượng, thân thiện, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tự hào của các lớp nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân tham gia Festival; đồng thời huy động được nguồn lực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hưởng ứng cho Festival. Đến thời điểm này, tất cả các hoạt động chuẩn bị cho Festival đã hoàn tất, sẵn sàng để nhân dân trong tỉnh và các tỉnh, thành cùng tham gia ngày hội lớn này.
- Chương trình Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II có rất nhiều hoạt động, vậy điểm nhấn của nó là gì, thưa ông?
- Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II là một sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia với sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông, Tây Nam bộ. Điểm nhấn của Festival lần này là đêm khai mạc với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Báu vật đất phương Nam”. Đây sẽ là đêm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; giới thiệu một cách cô đọng và dễ hiểu nhất về lịch sử hình thành và phát triển bộ môn nghệ thuật ĐCTT; giới thiệu truyền thống lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của đất và người phương Nam nói chung, đất và người Bình Dương nói riêng; gợi mở một không gian văn hóa ĐCTT gắn bó với mảnh đất và con người Nam bộ.
Tiếp đó là không gian ĐCTT vàkhông gian ẩm thực Nam bộ tại công viên Thành phố mới Bình Dương. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức những lời ca, tiếng đờn của các nghệ nhân ưu tú đến từ các tỉnh, thành mà còn được truyền dạy cách hát, cách sử dụng các nhạc cụ; đặc biệt được giải đáp thắc mắc về nghệ thuật ĐCTT, qua đó nâng cao nhận thức về giá trị của bộ môn ĐCTT. Mặt khác, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của các tỉnh, thành. Sự kết hợp giữa văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể tại 2 không gian trên sẽ giúp du khách cảm nhận cái hay, cái đặc sắc của con người vùng đất phương Nam.
Hội thi nghệ thuật ĐCTT cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của Festival, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, nghệ sĩ, nghệ nhân thể hiện khả năng ca hát, có thêm kinh nghiệm trên sân khấu; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ĐCTT thời gian tới. Song song đó là đêm hội tôn vinh 71 nghệ nhân ưu tú của ĐCTT vừa được trao tặng danh hiệu trong đợt I-2016. Chương trình còn có phần nói chuyện chuyên đề kết hợp biểu diễn các trích đoạn cải lương và bài vọng cổ của các soạn giả nổi tiếng.
- Thưa ông, Bình Dương không phải là “cái nôi” của nghệ thuật ĐCTT nhưng đã phát triển mạnh, rộng khắp, vậy xin ông cho biết rõ hơn về phong trào ĐCTT của tỉnh nhà và hướng bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT như thế nào?
- Dù không phải là “chiếc nôi” của nghệ thuật ĐCTT, nhưng Bình Dương vẫn là một trong những địa phương có hoạt động ĐCTT khá mạnh khu vực miền Đông, với hơn 70 CLB ĐCTT. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng các đội, nhóm có khả năng còn nhiều hơn, vì trong dân cư, nhất là ở nông thôn, những người yêu bộ môn ĐCTT lập ra những nhóm tự phát để giao lưu đờn ca nhằm thỏa mãn niềm yêu thích của mình. Chính từ tình yêu dành cho ĐCTT nên Bình Dương có những nét độc đáo riêng trong phong cách trình diễn, sáng tác lời mới cho các bài bản Tổ.
Trong quá trình điều hành, lãnh đạo Bình Dương qua các thời kỳ đã luôn khẳng định phát triển kinh tế phải gắn với việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, chú trọng gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, đối với bộ môn nghệ thuật ĐCTT khi được Unesco công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và trên cơ sở Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014-2020 của Bộ VH-TT&DL, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đề án chi tiết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ để có những cách làm thiết thực bảo tồn, phát huy di sản.
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là của thế hệ trẻ đối với việc phát huy giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; gắn phong trào ĐCTT ở địa bàn cơ sở với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng có liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong gia đình, nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng; tiếp tục phát động việc sáng tác lời mới cho các bài bản ĐCTT cũng như duy trì các cuộc liên hoan, giao lưu ĐCTT trong cộng đồng.
Chúng tôi tin tưởng rằng, sau sự kiện Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017, phong trào ĐCTT ở Bình Dương nói riêng, Nam bộ nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được những tình cảm, nguyện vọng thiết tha của đông đảo nhân dân, coi đó như là yếu tố để Nam bộ và Bình Dương phát triển bền vững. Từ niềm tin đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Dương nguyện làm hết sức mình với tinh thần trách nhiệm, chu đáo để Festival diễn ra thành công thật tốt đẹp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thiên Lý (thực hiện)