Hội thi văn nghệ, thể thao người khuyết tật (NKT) lần thứ VIII, năm 2018 vừa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội thi kết thúc nhưng những kỷ niệm đẹp luôn thường trực trong tâm trí của những NKT. Đến với hội thi họ không chỉ được vui chơi mà còn được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, cảm nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương dành cho mình. Từ đó giúp họ nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống để không là gánh nặng cho xã hội, gia đình.
Hội thi văn nghệ, thể thao NKT lần thứ VIII, năm 2018 thu hút hơn 320 NKT đến từ 13 đơn vị là các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Trung tâm dạy nghề NKT, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An. NKT được tham gia 2 phần thi năng khiếu và thể thao. Ấn tương nhất mùa thi năm nay đó là phần thi văn nghệ. Mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng các thí sinh về dự thi có giọng hát đầy nội lực, cách thể hiện trên sân khấu khá chuyên nghiệp qua các điệu múa. Chính vì vậy phần thi văn nghệ đã đưa khán giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Các thí sinh đạt giải nội dung đơn ca, song ca nhận giải thưởng
Nội dung thi, các thí sinh lựa chọn đa phần là đơn ca, song ca những bài ca cổ, ca nhạc ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, quê hương Bình Dương, nghị lực sống… qua các bài “Một đời người, một rừng cây”, “Bình Dương một khúc tình quê”, “Nơi đảo xa”… Một số đơn vị phá cách khi trình làng những giọng ca với ngón đờn ghita ru lòng người như: TP.Thủ Dầu Một qua lời ca, tiếng đờn của anh Đỗ Hòa Nhã; hay Trung tâm dạy nghề NKT tỉnh cố gắng tập luyện các em học viên để thể hiện tốt bài múa “Rừng xanh vang tiếng ta lư”.
Song song với thi văn nghệ, khoảng 200 NKT đã thể hiện qua 6 môn thi, như đua xe lăn - xe lắc, cờ tướng, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, điền kinh. Trong số các VĐV thi đấu, một số là những người đã có kinh nghiệm, một số là người mới nhưng họ cùng quyết tâm thể hiện tinh thần “tàn nhưng không phế”. Đường đua điền kinh, xe lăn - xe lắc chỉ là một đoạn ngắn nhưng với NKT là một quãng đường dài. Trên quãng đường đó, họ quyết tâm chinh phục bằng chính nghị lực của mình. Nó cũng như “đường đời” họ phải trải qua đó là vượt qua mặc cảm số phận để sống thật tốt. Anh Bùi Huy Hùng, đơn vị Phú Giáo tâm sự: “Đến với hội thi chúng tôi cảm thấy rất vui. Ở đây, ai cũng giống ai, ai cũng khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng chúng tôi có sự quyết tâm, có niềm đam mê thể thao, văn nghệ. Chính vì vậy, mỗi khi được so tài ai cũng mong muốn đạt thành tích cao để chứng minh cho gia đình, bạn bè và xã hội thấy, chúng tôi tàn nhưng không phế”.
Hội thi đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi thí sinh, VĐV NKT, cũng như những người đứng ra tổ chức hội thi và ngay cả khán giả. Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cho biết hội thi còn là dịp để toàn xã hội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Luật NKT và các chính sách dành cho NKT nhằm nâng cao nhận thức và hành động của xã hội trong việc phòng, chống kỳ thị với NKT. Đồng thời tạo sân chơi để NKT tự tin tham gia các hoạt động giúp họ phát huy năng khiếu. Với thành công của hội thi lần này, Ban tổ chức hứa sẽ làm tốt hơn nữa những mùa thi tiếp theo để các thí sinh, VĐV “đặc biệt” này có sân chơi vui, bổ ích.
T.LÝ