Hơn 300 y bác sỹ lên đường vào chi viện chống dịch tại miền Nam

Cập nhật: 05-08-2021 | 13:31:18

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức tiễn 300 y bác sỹ lên đường vào lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 5/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức tiễn 300 y bác sỹ lên đường vào lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh COVID-19 tại xã Bình Tân, huyện Bình Chánh, tiếp sức Thành phố Hồ Chí Minh chống đại dịch.

Đội quân tinh nhuệ chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh lần này của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là những bác sỹ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa… và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Trước giờ lên đường, tất cả các y bác sỹ đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19 nặng và rất nặng của Thành phố.

Nhiều y bác sỹ đã quyết định cắt tóc, đặc biệt những nữ y bác sỹ còn cắt mái tóc dài của mình để tiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng.

Cùng với đó, có hàng trăm thiết bị y tế với tổng trọng lượng khoảng gần 8 tấn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 9 y bác sỹ di chuyển từ Hà Nội đã đến ga Sài Gòn rạng sáng 5/8 bằng tầu hỏa.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức Đồng Văn Hệ cho biết số trang thiết bị này đã được vận chuyển ngay từ Ga Sài Gòn về Trung tâm hồi sức tích cực. Ngay sáng nay, các chuyên gia, kỹ sư của bệnh viện cùng các bên liên quan nhanh chóng bắt tay vào phân chia, thiết lập và lắp đặt các công đoạn kỹ thuật.

Tiếp sau đó, đoàn công tác đang cùng các chuyên gia của bệnh viện, các bên liên quan của thành phố nhanh chóng thiết lập, lắp đặt trang thiết bị để sớm hoàn thiện Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Bệnh viện dã chiến số 13.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được giao thiết lập, điều hành Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ hoạt động chuyên môn của Trung tâm hồi sức tích cực này.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang nhấn mạnh trong truyền thống hơn 100 năm lịch sử của bệnh viện, đã nhiều lần các thế hệ thầy thuốc lên đường tham gia vào việc khám, chữa bệnh, chi viện cho các đồng nghiệp ở các địa phương. Từ việc thành lập bệnh viện ở trong chiến khu ở Chiêm Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến các thế hệ lên đường chi viện Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, đến các chương trình bệnh viện vệ tinh.

Sau này là Dự án 1816 trợ giúp các bệnh viện địa phương, các cán bộ thầy thuốc đều sẵn sàng lên đường và làm rất tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc khám chữa bệnh cho đồng bào, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các đồng nghiệp ở khắp mọi miền của Tổ quốc.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Tiền Giang, liên tục xuất hiện ổ dịch và ca nhiễm mới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ Tiền Giang chống dịch.

Để góp phần hỗ trợ Tiền Giang sớm đẩy lùi dịch bệnh, ngày 4/8, Đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị gồm 9 bác sỹ, điều dưỡng chuyên khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực và Chống độc, đã tình nguyện lên đường vào Tiền Giang “chia lửa" cùng đồng nghiệp, tăng cường cho tuyến đầu chống dịch COVID-19. Các nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu Nghị đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng chống COVID-19 và thử test COVID-19 âm tính.

Đây là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện rõ rệt tinh thần vì người bệnh, sự tương thân tương ái, sẻ chia với các đồng nghiệp của người thầy thuốc khắp mọi miền đất nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=542
Quay lên trên