Hưng Yên: Tour trải nghiệm vườn nhãn hấp dẫn nhiều du khách

Cập nhật: 21-08-2023 | 16:45:33

Những chùm nhãn sai trĩu quả chuẩn bị cho thu hoạch.

Hưng Yên được mệnh danh là thủ phủ nhãn của cả nước, với diện tích gần 5.000ha. Thời điểm này, nhiều vườn nhãn đang bước vào mùa thu hoạch.

Ngoài việc bán nhãn cho thương lái, các nhà vườn còn kết hợp phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm. Việc các nhà vườn mở cửa đã góp phần đưa trái nhãn Hưng Yên đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trải nghiệm vườn nhãn hữu cơ

Những ngày này, vườn nhãn hữu cơ của gia đình ông Bùi Xuân Sử, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên luôn tấp nập khách đến tham quan vườn, trải nghiệm cảm giác hái nhãn, thưởng thức nhãn tại vườn.

Nhận thấy việc trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cho chính người trồng, năm 2021 ông Sử đã tiên phong chuyển 1,5ha từ trồng nhãn VietGap sang trồng theo hướng hữu cơ.

Ông Bùi Xuân Sử chia sẻ đây là năm thứ ba gia đình trồng nhãn theo hướng hữu cơ. Việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà.

Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây.

“Nhãn trồng theo hướng hữu cơ nói không với thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn. Nhãn sạch là yếu tố quan trọng giúp vườn của gia đình tôi luôn thu hút được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhãn ngay tại vườn,” ông Sử nói.

Dù đã đến nhiều vườn nhãn nhưng ông Bùi Công Anh, đến từ tỉnh Thanh Hóa thực sự ấn tượng với vườn nhãn của gia đình ông Bùi Xuân Sử. Ông Công Anh chia sẻ: "Tới vườn nhãn nhà ông Sử, tôi thấy mê luôn với những chùm nhãn trĩu quả, không gian thoáng mát, trong lành. Thích nhất là được tự tay bẻ rồi thưởng thức những chùm nhãn chín và chụp hình cùng bạn bè. Nhãn hữu cơ có cùi dày, giòn và róc hạt, có vị ngọt thanh. Đặc biệt, chủ vườn không thu phí tham quan và rất nhiệt tình tiếp đón."

Giải quyết bài toán “được mùa, mất giá”

Theo bà Trần Thị Bắc, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Nhãn lồng Nễ Châu, thành phố Hưng Yên, việc thay đổi phương thức canh tác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp các nhà vườn, Hợp tác xã khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Chính sự thay đổi đó phần nào giúp các nhà vườn, Hợp tác xã phần nào giải quyết được bài toán “được mùa, mất giá.”

Nhiều năm nay, Hợp tác xã Cây Ăn quả Đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên trở thành “địa chỉ” quen thuộc của nhiều đoàn khách mỗi mùa nhãn chín. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cho biết từ đầu vụ nhãn đến nay, Hợp tác xã đã đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm tại vườn nhãn.

Để thu hút khách đến đây, Hợp tác xã đã công khai số điện thoại trên mạng internet, đồng thời tăng cường quảng bá các thông tin, hình ảnh về mùa nhãn trên các nền tảng xã hội. Hiện nay, khách du lịch đến trải nghiệm rất đông vào những ngày cuối tuần.

“Gần 10 năm nay, tour trải nghiệm 0 đồng của Hợp tác xã đã trở thành thương hiệu và được rất nhiều đoàn khách đặt lịch để tới tham quan trải nghiệm. Đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí. Nếu có nhu cầu đặt hàng chúng tôi sẽ cắt nhãn và cân ngay tại vườn. Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước,” ông Mý nói.

Theo ông Mý, mùa thu hoạch nhãn, nhà vườn thường mở cửa từ 8 giờ-18 giờ, đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Ngoài thưởng thức những quả nhãn tươi, du khách còn có dịp tìm hiểu và khám phá các sản phẩm làm từ nhãn như long nhãn, mật ong…

Trở về Việt Nam lần này, có lẽ là kỷ niệm khó quên đối với ông Nguyễn Sơn Nam, Việt kiều Mỹ, khi đây là lần đầu tiên ông cùng những người bạn của mình đến tham quan trải nghiệm, cũng như thưởng thức những trái nhãn lồng Hưng Yên ngay tại vườn.

Ông Sơn Nam chia sẻ về cảm giác bất ngờ, choáng ngợp khi lần đầu tiên bước vào vườn nhãn chín. Trong vườn chi chít những chùm nhãn sai trĩu quả, với hương vị rất đặc biệt. Chủ vườn ở đây làm rất chuyên nghiệp, bài bản, được tận tay hái những chùm nhãn và thưởng thức ngay tại vườn, thật là tuyệt vời.

Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết mô hình du lịch tham quan, trải nghiệm vườn nhãn trên địa bàn tỉnh đang có bước phát triển, từ đó, góp phần làm đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương, con người Hưng Yên.

Tuy nhiên, hiện nay, loại hình du lịch này mới chỉ phát triển tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh, chưa có mô hình tổ chức quản lý, khó kiểm soát chất lượng các dịch vụ cung cấp cho khách, hiệu quả mang lại chưa cao.

Do đó, các ngành chuyên môn, các các đơn vị kinh doanh du lịch và nhà vườn cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện để đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực.

Cùng với đó, các chủ vườn cần tiếp tục nâng cao chất lượng nhãn, khuyến khích trồng nhãn theo hướng hữu cơ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉnh trang vườn nhãn xanh, sạch, đẹp để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
du khách

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=378
Quay lên trên