Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 2/6, Việt Nam ghi nhận thêm 241 ca mắc mới, gồm 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 229 ca ghi nhận trong nước; trong đó, các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất là Bắc Giang (157 ca); Bắc Ninh (31 ca); Thành phố Hồ Chí Minh (31 ca).
Trong ngày, 42 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi ở Việt Nam lên 3.085 trường hợp. 49 ca đã tử vong có liên quan đến COVID-19.
Ngày 1/6, tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Yên Bái, Lào Cai, 29.773 liều vaccine đã được tiêm chủng, trong đó, đã có 507 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Khẩn trương vào cuộc, từng bước khống chế, đẩy lùi dịch
Chiều 2/6, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai sử dụng công cụ công nghệ thông tin (robot) thông qua tổng đài tự động gọi điện cho người dân hỏi các triệu chứng như ho, sốt… để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
Về việc xây dựng dự thảo hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người nhập cảnh, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát lại để ban hành quy trình xét nghiệm mới để cách ly đối với người nhập cảnh. Bằng các công cụ, phương thức xét nghiệm kết hợp xác định được người nhập cảnh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã nhiễm bệnh, cơ thể đã có miễn dịch, xét nghiệm không phát hiện virus SARS-CoV-2, được rút ngắn thời gian cách ly ở các khu cách ly tập trung. Đại diện Bộ Y tế cho rằng quy trình có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn khoảng 1 tuần đối với những trường hợp nêu trên.
Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thí điểm việc hướng dẫn nhân dân tự lấy mẫu xét nghiệm, sau đó đề nghị nhân rộng, tiến tới phổ biến cho mọi người dân, qua đó, sẵn sàng phòng trường hợp nhiều nơi cùng bị lây nhiễm vào các khu công nghiệp, cần số lượng lấy mẫu lớn.
Liên quan đến vaccine, theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều), tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải có vaccine “càng sớm càng tốt,” tốt nhất là trước tháng 10 tới. Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi. Từ nay đến tháng 10 tới, nếu có vướng mắc không tháo gỡ được, Bộ cần trình ngay lên Chính phủ.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phải có kế hoạch linh hoạt, điều tiết nguồn vaccine (mặc dù hiện nay còn phụ thuộc vào tiến độ giao hàng của nhà cung cấp); tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.
Chiều tối 2/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, Bắc Giang đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch; cần tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng; đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn. Đặc biệt những “điểm nóng” tại các khu cách ly, phong tỏa tập trung nhiều công nhân, có nhiều ca nhiễm, Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, di chuyển toàn bộ công nhân ra khỏi những nơi này; làm sạch địa bàn.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tập trung ngăn chặn, không để dịch lan từ cụm công nghiệp sang khu công nghiệp; xem xét kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân ổ dịch ở một số xã thuộc huyện Thuận Thành kéo dài trong gần 1 tháng qua.
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ trước yêu cầu xét nghiệm trên diện rộng, số lượng lấy mẫu xét nghiệm lớn, phải huy động nhiều lực lượng, các địa phương phải phân chia thời gian hợp lý để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho lực lượng lấy mẫu, an toàn vệ sinh dịch tễ trong quá trình lấy mẫu, không để lây nhiễm cho những người lấy mẫu hoặc được lấy mẫu, đặc biệt ở khu vực ghi nhận ca nhiễm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra khu lưu trú của công nhân Công ty TNHH Goertek Vina tại khu công nghiệp Quế Võ. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Chiều 2/6, tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh về các giải pháp cấp bách khôi phục sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh nguy cơ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp.
Thời gian tới, Bắc Ninh cần tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ,” không chủ quan, lơ là. Đặc biệt, tỉnh cần tiếp tục tổ chức tốt và nhân rộng mô hình bố trí chỗ ăn, ở tạm thời của công nhân tại các nhà máy; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên xét nghiệm sàng lọc công nhân để phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine phòng COVID-19
Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông tin ngay sau cuộc làm việc trực tuyến với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về vấn đề vaccine phòng COVID-19 chiều 2/6.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vaccine phòng COVID-19 của Nga. Tuy nhiên, vì điều kiện sản xuất, Nga chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vaccine sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đến ngày 2/6 vừa qua, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là rất cần thiết, vì vậy đã giao các đơn vị trực thuộc khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng Bảy tới sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam thời gian tới.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị của Bộ, các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập Nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn tại Việt Nam, nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh nguồn vaccine của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vaccine khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…
Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, Mỹ và Anh, Việt Nam đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Hiện, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu và dịch vụ bảo đảm vaccine
Bộ Y tế vừa công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vaccine (cập nhật đến ngày 13/5 vừa qua). Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 có thể liên lạc với các đơn vị có đủ điều kiện và pháp nhân nhập khẩu mà Bộ Y tế đã công bố.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này.
Bộ Y tế lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vaccine. Các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vaccine hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả mạo hoặc bị lừa đảo như tổ chức Interpol đã cảnh báo./.
Theo TTXVN