Huyện Dầu Tiếng: Nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh

Cập nhật: 15-12-2020 | 07:48:07

Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là “bàn đạp”, tiếp sức cho những ngành nghề khác, nhiều năm qua, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 Ông Tống Văn Hướng (bên phải), Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ - thương mại Minh Hòa Phát tại vườn cây ăn trái của thành viên

 Vững vàng phát triển

Vốn là địa bàn trọng điểm cây cao su, hiện tổng diện tích cao su chỉ còn 49.700 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích cao su tiểu điền 25.550 ha. Trong những năm qua, tại huyện Dầu Tiếng, nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ra đời. Hiện diện tích cây ăn trái của huyện đạt khoảng 700 ha, tăng 7,6% so với cùng kỳ... Huyện khuyến khích phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Toàn huyện có 238 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Ước tổng đàn gia súc 199.200 con (tăng 6,5% so với cùng kỳ), đàn gia cầm 3,4 triệu con (tăng 6,25% so với cùng kỳ). Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 116.000m2. Hiện các hộ chăn nuôi đều tổ chức nuôi trồng theo đơn đặt hàng hoặc nuôi gia công cho các thương hiệu lớn nên năng suất và đầu ra ổn định.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện nông nghiệp chất lượng cao là mục tiêu phát triển. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chính là hướng đi bền vững của nền kinh tế thân thiện với môi trường. Vì vậy, Dầu Tiếng luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp, đưa công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng chính sách mời gọi vào thực tiễn; tiến hành quy hoạch lại nguồn đất, nguồn nước, cho khảo sát thí nghiệm mẫu đất, tăng cường xây dựng những vườn giống, mô hình trình diễn; chú trọng hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực. Huyện cũng đang khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã (HTX) kiểu mới như hợp tác đất đai để xây dựng chuỗi sản xuất, tạo sự liên kết các HTX để khai thác tối đa lợi thế các vùng để phát triển.

Tìm đầu ra bền vững

Trên địa bàn huyện hiện đã phát triển các loại hình HTX, mỗi HTX có trên 70 thành viên, như: HTX Lộc Phát, HTX Nông nghiệp dịch vụ - thương mại Minh Hòa Phát, HTX Thu mua mủ cao su Định Hiệp... Đây là những HTX được thành lập trong năm 2017, đến nay đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh đó, các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện cũng hoạt động khá hiệu quả, như THT chăn nuôi bò sinh sản (ấp Núi Đất, xã Định Thành), THT chăn nuôi bồ câu (xã Định An)… Sản phẩm của các THT đều được tiêu thụ tốt, tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Theo ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ - thương mại Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa), HTX, THT trên địa bàn huyện được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và là nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân. Qua 3 năm hoạt động, Minh Hòa Phát đem lại lợi ích cho người lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giảm chi phí sản xuất. HTX đóng vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập và nâng cao đời sống, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các HTX là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đó là thách thức lớn đối với các HTX nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái. Về vấn đề này, ông Linh cho biết trong thời gian tới, huyện tiếp tục vận động, huy động những nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX; đồng thời hỗ trợ các đơn vị đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường.

 HTX Bò sữa Long Tân (xã Long Tân) là một điển hình, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Năm 2010, THT Bò sữa Long Tân được thành lập gồm 9 thành viên, đến tháng 8-2013 THT nâng lên thành HTX. Đến nay, HTX có gần 100 xã viên, chăn nuôi hơn 1.400 con bò sữa. Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất, bảo đảm đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết xã viên rất yên tâm.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=959
Quay lên trên