Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện Dầu Tiếng được thực hiện bảo đảm, góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản hiệu quả đã góp phần hạn chế tình trạng khai thác trái phép. Trong ảnh: Hoạt động khai thác cát trái phép được ghi nhận trước đó, nay đã dừng khai thác
Thực hiện đúng pháp luật
Nhìn chung, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện Dầu Tiếng được thực hiện bảo đảm. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, công tác phối hợp kiểm tra đột xuất đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn luôn được quan tâm và bảo đảm thực hiện đúng chế độ, quy định của pháp luật hiện hành. Huyện đã giải quyết kịp thời phản ảnh của người dân liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép. Các phản ánh của người dân được giải quyết khách quan, chính xác và đúng quy định pháp luật.
Hiện nay số lượng bến bãi tập kết, mua bán, vận chuyển cát dọc theo sông Sài Gòn và trên khu vực hồ Dầu Tiếng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, dọc theo sông Sài Gòn từ 20 giảm xuống còn 3 tổ chức, cá nhân; hồ Dầu Tiếng từ 19 xuống còn 3 tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, trên địa bàn không phát sinh thêm bến bãi tập kết mới, các bến bãi bị buộc tạm ngưng hoạt động đã cơ bản hoàn thành khôi phục lại hiện trạng đất theo quy định. Ông Dương Văn Phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Số lượng tàu khai thác trên khu vực hồ Dầu Tiếng được cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ, chỉ cho phép tàu có đăng ký, đăng kiểm thuộc tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản mới hoạt động và chỉ được phép khai thác vào ban ngày (từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều). Xe vận chuyển cát từ bến bãi đều được kiểm tra về quá khổ, quá tải, hóa đơn chứng từ nguồn gốc cát”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Dầu Tiếng vẫn còn một số khókhăn vàtồn tại. Ông Dương Văn Phương cho biết: “Hiện nay, việc xác định cột mốc cao trình 24.4 và phương án cắm mốc do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thực hiện chưa có sự thống nhất với địa phương, dẫn đến nhiều cột mốc đã cắm nằm trên phần đất được cấp quyền sử dụng đất của người dân, vị trí giữa các cột mốc cách nhau quá xa, khó xác định. Bên cạnh đó, việc chưa cắm mốc cao trình mực nước 25.1 gây khó khăn cho việc xác định, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất làm bến bãi của các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản. Mặc dù huyện đã có sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan Nhà nước, nhưng chưa có sự đồng bộ, một số cơ quan còn chủ quan chỉ kiểm tra giám sát theo lĩnh vực quản lý, dẫn đến chồng chéo trong việc thanh, kiểm tra, giám sát”.
Tăng cường công tác phối hợp
Trong năm 2018 và 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã luôn chủ động phối hợp với lực lượng Công an huyện Dầu Tiếng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh và các huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), Tân Châu, Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) trong việc tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm khai thác, kinh doanh, mua bán cát trên khu vực hồ Dầu Tiếng. Cụ thể, phòng phối hợp với tổ kiểm tra theo Quyết định số 2105/ QĐ-UBND ngày 7-9-2017 của UBND tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra từ ngày 24-7 đến ngày 27-7-2018. Qua đó thống kê trong khu vực hồ Dầu Tiếng được cấp 19 giấy phép khai thác khoáng sản cát (trong đó, tỉnh Tây Ninh cấp 16 giấy phép cho 13 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương cấp 2 giấy phép, Bình Phước cấp 1 giấy phép) với tổng số phương tiện đăng ký khai thác hàng tháng là 118 tàu (96 tàu, thuyền khai thác và 22 dự phòng). Trong đó 19 tổ chức, cá nhân kinh doanh khai thác cát thuộc địa phận huyện Dầu Tiếng có tổng cộng 49 tàu bơm hút cát, buộc di dời 35 tàu ra khỏi hồ Dầu Tiếng.
Ông Dương Văn Phương cho biết: “Nhằm kiện toàn lại quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã chủ trì lấy ý kiến về việc góp ý “Dự thảo quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước”. Trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn giáp ranh giữa huyện Dầu Tiếng, Dương Minh Châu, Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) và huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước).
Ngoài ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dầu Tiếng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn các cấp và địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các bến bãi tập kết, kinh doanh vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi không cógiấy phép hoạt động bến thủy nội địa và sửdụng đất không đúng mục đích, không có hồ sơ về môi trường, các trường hợp cố tình vi phạm sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn các cấp và địa phương trong công tác kiểm tra, phòng ngừa và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Song song đó, huyện Dầu Tiếng sẽ tăng cường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác; định kỳ tổ chức đánh giá trữ lượng khai thác và đối chiếu với phương án khai thác đã được phê duyệt, nhằm hạn chế việc khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép. Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộcấp cơ sở, góp phần hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thời gian qua phòng đã thực hiện đúng trình tự thủ tục, thời gian khi thực hiện xác nhận Đề án Bảo vệ môi trường đơn giản, kế hoạch bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; công tác kiểm soát ô nhiễm ngày càng được tăng cường; thường xuyên kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường; tham mưu huyện, xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường đất, nước, không khí tại các hố tiêu hủy, chôn lấp heo bị dịch tả châu Phi trên địa bàn các xã, thị trấn; cung cấp số liệu các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường về sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện. Từ nay đến cuối năm 2020, phòng tiếp nhận và tham mưu UBND huyện ký xác nhận đăng ký bản kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản của các tổ chức, cá nhân theo đúng thời gian quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra các trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện, đề xuất các biện pháp quản lý trong thời gian tới; xây dựng kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2020, kế hoạch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020... |
PHƯƠNG LÊ