Khảo sát, tìm cách “cởi trói” cho các công trình giao thông

Cập nhật: 15-05-2012 | 00:00:00

Bài 1: Đường ĐT744 đã chia nhỏ nhưng vẫn vướng!

Đường ĐT744 có tổng chiều dài 43,6km từ ngã ba Suối Giữa (TX.TDM) đến cầu Cát (huyện Dầu Tiếng). Đây là tuyến đường trọng yếu, có tính quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, nên từ năm 2003 UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này và đã chia nhỏ làm nhiều gói thầu nhằm rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, đã qua gần 10 năm mà công trình vẫn chưa hoàn thành do... vướng giải tỏa!

Không thiếu vốn...

Nhằm rút ngắn thời gian thi công, tránh thất thoát, sai sót và phát huy tốt vai trò của chủ đầu tư - chính quyền địa phương - đơn vị thi công trong việc tuyên truyền vận động nhân dân về ý nghĩa, giá trị của công trình, UBND tỉnh đã có chủ trương chia nhỏ công trình thành nhiều dự án, gói thầu nhằm rút ngắn thời gian thi công. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện cho thấy: Nhà nước không thiếu vốn; đơn vị thi công bảo đảm năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, phương tiện thiết bị nhưng vẫn chưa thể hoàn thành công trình vì... vướng giải tỏa! Cụ thể, gói thầu đường Nguyễn Chí Thanh - cầu Ông Cộ có chiều dài 5,9km là đoạn khởi đầu của tuyến đường ĐT744, tổng mức đầu tư được duyệt là 133,3 tỷ đồng, đến ngày 31-3 đã giải ngân được 127,9 tỷ đồng, công trình đã được nghiệm thu kỹ thuật vào tháng 6-2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và tổng nghiệm thu do vướng giải phóng mặt bằng 2 đoạn gồm cống thoát nước đường Nguyễn Chí Thanh - Bùi Ngọc Thu và dự án xây mới cầu Ông Cộ.

 Đoàn khảo sát tìm hiểu nguyên nhân tại một điểm vướng giải tỏa trên đường ĐT744

Gói thầu từ cầu Ông Cộ đến Km12 đã khởi công từ 3-12-2009 với thời gian thi công 640 ngày, tổng vốn đầu tư cho công trình là 189,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-3 đã thực hiện giải ngân được 112,4 tỷ đồng. Đơn vị thi công đã thực hiện thảm bê tông nhựa hoàn thiện toàn tuyến và đang tiếp tục trải đá gia cố phần lề đường đạt 90% khối lượng, chuẩn bị tưới nhựa... Dù đã hết thời hạn thi công mà công trình vẫn chưa thể hoàn thành do vướng giải tỏa.

Tương tự, gói thầu từ Km12 đến Km32 được chia làm 5 phân đoạn, tương ứng với 5 gói thầu nhỏ, với tổng vốn đầu tư 680,9 tỷ đồng, đến nay đã hết hoặc sắp hết thời gian thi công, tiến độ thực hiện dự án khá tốt, đã giải ngân được 130,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như các gói thầu nói trên, các gói thầu này vẫn chưa thể đưa vào nghiệm thu chỉ vì vướng giải tỏa một số điểm.

Chỉ thiếu mặt bằng để thi công!

Không chỉ với chính quyền mà hầu hết người dân sống hai bên tuyến đường ĐT744 đều biết rõ tầm quan trọng của tuyến đường trong việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương mà tuyến đường đi qua. Cụ thể, tuyến đường có vai trò kết nối từ trung tâm tỉnh lỵ đến các địa phương có truyền thống cách mạng, du lịch như Tam giác sắt, làng tre Phú An, rừng lịch sử Kiến An, du lịch núi Cậu, Công ty Cao su Dầu Tiếng... Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong tương lai tuyến đường vành đai 4 sẽ cắt ngang khu vực đầu tuyến. Khi đó tuyến đường ĐT744 sẽ giữ vai trò là con đường xuyên tâm vùng. Việc đầu tư tuyến đường này là hết sức cần thiết, góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông của tỉnh và hệ thống đường bộ quốc gia, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong vùng mà lợi ích thiết thực trước mắt là tạo ra bộ mặt khang trang, tăng cường giao lưu hàng hóa, mở ra cơ hội đầu tư cùng với nâng cao giá trị đất đai và tài sản trên đất nơi tuyến đường đi qua.

Trước thực trạng nói trên, để có cơ sở báo cáo với HĐND tỉnh trong kỳ họp tới nhằm “cởi trói” cho công trình, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát những đoạn, tuyến vướng giải tỏa và nhận thấy hầu hết các đoạn bị vướng, chưa giải phóng được mặt bằng đều có chiều dài chỉ vài chục mét, nhưng đơn vị thi công không thể tiếp tục thi công do người dân chưa chịu tháo dỡ công trình trên đất như tường rào, nhà ở, cây xanh... Lý do mà người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng vẫn là để làm yêu sách yêu cầu chủ đầu tư phải đền bù phần đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ hoặc tăng giá đền bù cho các công trình, tài sản gắn liền với đất! Trong khi đó trên 95% số hộ trên toàn tuyến đã đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công! Các điểm vướng giải tỏa mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng chiều dài công trình, nhưng do không thể thi công nên dẫn đến thực trạng công trình bị “khuyết tật”, mất mỹ quan và dễ gây ra tai nạn giao thông!

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Bá Luận, xác nhận: “Chủ trương của tỉnh là không đền bù đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ, nên công việc tiếp theo là phối hợp tuyên truyền vận động, giải thích để người dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của tuyến đường và quyền lợi người dân được hưởng nhằm tạo sự đồng thuận, hợp tác, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, để người dân và toàn xã hội cùng được hưởng lợi từ giá trị công trình”.

DUY CHÍ

Qua khảo sát thực tế, đoàn khảo sát còn nắm bắt được tâm trạng các hộ chưa bàn giao mặt bằng hoàn toàn không vui vẻ gì khi công trình đến trước nhà mình thì dừng lại, trong khi các nơi khác đều khang trang, sạch đẹp! Quan trọng hơn là việc kéo dài thời gian thi công vừa làm “đội giá” công trình, vừa làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những vướng mắc này sẽ được Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo tại kỳ họp HĐND tới đây để tìm giải pháp hữu hiệu “cởi trói” cho các công trình hiện đang bị vướng giải tỏa.

Kỳ tới: Đường ĐT741 còn nhiều bất cập!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên