Đã thành thói quen, lâu nay khi người dân đau ốm thường đến các nhà thuốc khai bệnh để mua thuốc uống mà không cần toa thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tình trạng dược sĩ thành “bác sĩ” diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trong tỉnh.
Mua thuốc dễ như mua rau!
Nhiều người dân khi bản thân hoặc con cái mình bị cảm, sốt, ho, sổ mũi… thường tự đến quầy thuốc tây mua thuốc về uống. Mặc dù không có toa thuốc do bác sĩ kê nhưng khi người bệnh tới mua, các nhân viên quầy thuốc tây vẫn bán vô tư. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh và thường được các bậc phụ huynh tự ý mua thuốc về uống, nhất là thuốc kháng sinh, điều này gây nhiều nguy hiểm cho trẻ. Bởi nguyên tắc chung khi sử dụng kháng sinh cho trẻ là sử dụng phù hợp theo bệnh lý, theo lứa tuổi, cân nặng và cơ địa. Đối với những trẻ điều trị nhiễm trùng dai dẳng hoặc nhiễm trùng nhiều lần mà cần sử dụng kháng sinh thì nên lựa chọn thuốc kháng sinh hợp lý nhất theo chỉ định của bác sĩ. Con gái chị Nguyễn Thị Lợi (TP.Thủ Dầu Một) ho nhiều mấy ngày nay, khi hỏi chị sao không đưa con đến bệnh viện để khám thì chị trả lời: “Gia đình đã ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống” và tất nhiên liều thuốc đó có cả thuốc kháng sinh. Đây chỉ là một trong số rất nhiều người dân tự ý ra tiệm thuốc tây mua thuốc về tự cho con uống. Thậm chí có không ít người nhìn bác sĩ chưa kê toa thuốc kháng sinh hoặc kê kháng sinh nội còn chủ động yêu cầu bác sĩ phải kê thêm thuốc kháng sinh ngoại liều cao vì cho rằng uống kháng sinh để nhanh lành bệnh. Điều này cũng có nguyên nhân do ở các nhà thuốc tư nhân, người bán thuốc thường chủ động bán thuốc kháng sinh liều cao cho người dùng...
Người dân mua thuốc tại một hiệu thuốc tây trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một
Trong những ngày cuối năm 2017, chúng tôi tiến hành một cuộc khảo sát bằng cách đóng vai người bệnh bị viêm đường hô hấp và bị cảm cúm đến mua thuốc tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An, không một nhà thuốc nào yêu cầu phải xuất trình đơn thuốc do bác sĩ kê toa. Tại nhà thuốc C.T, đường ĐT745, phường An Thạnh, TX.Thuận An, khi phóng viên đề nghị người bán thuốc bán cho mấy liều thuốc cảm với các triệu chứng: sốt, ho nhẹ, đau họng nhân viên nhà thuốc lập tức lấy thuốc bán cho, chỉ yêu cầu “ăn no rồi uống”. Khi được hỏi: Liều thuốc này có kháng sinh không? Người bán thuốc trả lời ngay: Có chị.
Chúng tôi tiếp tục đến đại lý thuốc tây T.P, trên đường Hoàng Hoa Thám (TP.Thủ Dầu Một). Khi phóng viên yêu cầu mua thuốc điều trị đau dạ dày cho em gái 16 tuổi, người bán thuốc chỉ hỏi các triệu chứng đau như thế nào, đau nhiều hay đau ít rồi quay vào lấy thuốc mà không hề hỏi “đã đi khám chưa?” hay “có đơn thuốc không?”.
Tự dùng thuốc - hậu quả khó lường
Điều đáng nói là việc mua, bán thuốc không theo đơn của bác sĩ đang gây ra nhiều hệ lụy như: Tính mạng người bệnh bị đe dọa, việc điều trị kéo dài và tốn kém, hình thành những bệnh dịch do kháng thuốc kháng sinh. Thuốc là “con dao hai lưỡi”, ngoài tác dụng với bệnh nó còn có những tác dụng phụ - còn gọi là tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể gây tử vong. Bác sĩ khám bệnh sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh lý, thể trạng, cơ địa cụ thể của từng đối tượng bệnh nhân để chỉ định sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao và thời gian dùng bao lâu thì an toàn và hiệu quả.
Theo bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, mỗi cơ thể có sự phản ứng riêng biệt với thuốc, có loại thuốc dùng cho người này thì không sao nhưng ở người khác thì trở thành nguy hiểm, nhất là xảy ra phản ứng dị ứng với thuốc - từ thuốc giảm đau, hạ nhiệt đến các loại thuốc đặc trị đều có thể gây dị ứng; ví dụ như kháng sinh penicillin, vitamin B1, nếu tự ý sử dụng thì rất có thể xảy ra phản ứng dị ứng, thậm chí có thể xảy ra sốc phản vệ rất dễ đưa đến tử vong. Người không rõ về thuốc mà tự ý dùng những loại thuốc không tương xứng với bệnh, như bị cảm cúm mà lại dùng kháng sinh để điều trị thì hậu quả chẳng những bệnh không hết mà còn xảy ra hiện tượng vi khuẩn lờn thuốc; hoặc khi tự sử dụng thuốc chống co thắt để giảm đau bụng, dễ nhầm tưởng là bệnh đã giảm và sẽ khỏi, nhưng thực tế bệnh vẫn đang tiến triển nếu như đó là đau bụng do viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, viêm vòi trứng, có thai ngoài tử cung… và hậu quả nguy hiểm không thể lường được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu các bệnh này. “Việc tự dùng thuốc đã là nguy hiểm đối với sức khỏe nhưng việc lạm dụng thuốc cũng sẽ nguy hiểm không kém, ngay cả với những thuốc thông thường như paracetamol (paradol, panadol, hapacol, tidol, tylenol…) khi tự dùng quá nhiều để giảm đau hoặc hạ sốt có thể gây nhiễm độc gan, hoại tử tế bào gan hoặc khi tự điều trị dài ngày bằng corticosteroid (cortisone, prednisolone, dexamethasone…) sẽ gặp phải các tai biến hết sức đáng tiếc như loãng xương, giữ nước gây phù, gây cao huyết áp và nặng hơn là mắc hội chứng Cushing (còn gọi là bệnh suy tuyến thượng thận thứ phát)”, bác sĩ Thứ khẳng định.
Khó quản lý
Bộ Y tế đã có những quy định rất cụ thể về các loại thuốc mua không cần đơn (toa) của bác sĩ, như gần đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BYT ngày 3-5-2017 với danh mục 243 loại thuốc tân dược được phép mua bán và sử dụng không cần có đơn thuốc. Tất cả các thuốc không nằm trong danh mục nêu tại thông tư này đều phải có bác sĩ kê đơn mới được bán. Quy định là vậy, nhưng thực tế người bệnh có thể tự mua được hầu hết những thuốc quy định phải kê đơn. Phần lớn người dân tự mua thuốc để chữa trị những bệnh thông thường như cảm cúm nhẹ do thời tiết, tiêu chảy; nhưng cũng có nhiều người tự mua và sử dụng thuốc theo lời mách bảo của người khác, hoặc dùng lại đơn thuốc cũ, hoặc tự nghiên cứu sách, báo, mạng internet để chẩn bệnh rồi mua thuốc về điều trị… điều này sẽ càng tạo điều kiện cho người bán thuốc thờ ơ trách nhiệm với người bệnh. Và cũng không ít trường hợp mà người bán thuốc, dược sĩ tại các cơ sở kinh doanh dược hoặc vì chạy theo lợi nhuận, hoặc vì chủ quan nên bán thuốc theo lời khai về triệu chứng bệnh hay theo yêu cầu của người mua mà không cần có đơn thuốc do bác sĩ kê.
Bác sĩ Thứ chia sẻ: “Đây là thực trạng khá phổ biến mà các nhà quản lý vẫn chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ. Tình trạng này sẽ làm gia tăng những nguy cơ tác dụng không mong muốn của thuốc. Người bệnh là người phải chịu mọi hậu quả do dùng thuốc không có đơn của bác sĩ; trong khi người bán thuốc, dược sĩ bán thuốc có thể vô can với những rủi ro mà người bệnh gặp phải”. Để tránh những rủi ro việc tùy tiện mua thuốc, bác sĩ Thứ khuyến cáo thêm: “Việc người dân mua và sử dụng thuốc không do bác sĩ kê đơn là rất nguy hiểm. Ngoài việc tự dùng thuốc sẽ làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó cho chẩn đoán, chỉ định điều trị và theo dõi đáp ứng mà còn dẫn đến nhiều nhầm lẫn, tai nạn đáng tiếc xảy ra cho người bệnh. Kê đơn thuốc là việc rất quan trọng đối với cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Người bệnh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất nếu không được kê đơn thuốc từ bác sĩ/thầy thuốc; người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ để uống đúng liều lượng thuốc, đúng thời gian; sẽ không biết những thức ăn, thức uống nào cần phải kiêng kỵ, không biết trường hợp nào không được phép sử dụng (chống chỉ định với thuốc). Từ đó, người bệnh dễ gặp phải rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Và lúc này, đơn thuốc sẽ là một bằng chứng “bảo hộ” duy nhất cho người bệnh tránh được những điều xấu bất ngờ xảy ra cho mình. Để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, người bệnh cần phải đi khám và yêu cầu bác sĩ kê đơn thuốc trước khi điều trị”. R
“Khi người bệnh không được bác sĩ kê đơn mà tự ý mua thuốc về sử dụng thì sẽ dễ xảy ra những tai biến đáng tiếc mà cả người bệnh và thầy thuốc cũng không thể ngờ đến mức độ nguy hiểm của nó”.
(Bác sĩ Từ Tấn Thứ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế)
HUỲNH THỦY