Trước đây, khoan giếng lấy nước sinh hoạt rất phổ biến, nhất là ở các vùng chưa có hoạt động cấp nước sạch. Hiện nay, việc khoan giếng là tác động đến nguồn nước ngầm đã được Luật Tài nguyên nước điều chỉnh. Theo Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật, khai thác với quy mô lớn sẽ phải xin cấp phép. Cụ thể, trường hợp phải xin phép thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên đến dưới 3.000m3/ngày đêm.
Trường hợp quy mô thăm dò, khai thác nước dưới đất từ 3.000m3/ngày đêm trở lên thì nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Tài nguyên nước và Bộ TN&MT cấp phép. Trường hợp đăng ký khai thác nước dưới đất thuộc thẩm quyền cấp huyện là hộ gia đình, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân có chiều sâu lớn hơn 20m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất. Trường hợp không phải xin phép, không phải đăng ký là khai thác nước dưới đất phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm và không thuộc Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất.
Có điều lưu ý là đơn vị, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề khoan với quy mô phù hợp theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11-7-2014 của Bộ TN&MT quy định về hành nghề khoan nước dưới đất.
P.V